Bệnh lậu ở nam giới và bệnh lậu ở nữ giới

Bệnh lậu ở nam giới và bệnh lậu ở nữ giới khác nhau như thế nào?

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), vùng Châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) có tỷ lệ nhiễm bệnh lậu cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Da Liễu trung ương năm 2003, bệnh lậu chiếm 4,82% các ca bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam và nữ tương ứng là 1,5:1. Mỗi năm có khoảng 50.000 – 100.000 ca nhiễm lậu mới ở Việt Nam.

Dù cùng một loại bệnh nhưng bệnh lậu ở nam và nữ vẫn có sự khác biệt. Bạn hãy cùng Tình dục thông thái tìm hiểu sự khác nhau này thông qua bài viết dưới đây nhé.

1. Tổng quan về bệnh lậu

Trong các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục, lậu là tác nhân lây truyền qua đường tình dục phổ biến thứ hai trên toàn thế giới. Lậu là vi khuẩn song cầu Gram âm, tên tiếng Anh là Neisseria gonorrhoeae. Bệnh lậu có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản do các biến chứng như vô sinh, ung thư, các biến chứng khi mang thai…

Nguyên nhân chủ yếu lây truyền bệnh lậu là do quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và thậm chí đường miệng. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con khi sinh gây lậu mắt ở trẻ sơ sinh…

Nguyên nhân chủ yếu lây truyền bệnh lậu là do quan hệ tình dục
Nguyên nhân chủ yếu lây truyền bệnh lậu là do quan hệ tình dục

2.1. Sự khác nhau giữa bệnh lậu ở nam và ở nữ

2.1 Bệnh lậu ở nam giới 

Nam giới bị lậu thường có biểu hiện viêm niệu đạo bao gồm:

  • Tiết dịch/ mủ niệu đạo
  • Tiểu rát buốt, tiểu khó
  • Cảm giác ngứa, kiến bò trong đường tiểu
  • Viêm đỏ miệng niệu đạo 

Viêm niệu đạo do lậu ở nam giới không được điều trị có thể dẫn đến viêm tinh hoàn – mào tinh hoàn, hẹp niệu đạo và vô sinh. Rủi ro các biến chứng tăng lên khi nhiễm trùng không được điều trị dứt điểm và tái phát nhiều lần.

2.2. Bệnh lậu ở nữ giới 

Bệnh lậu thường không có triệu chứng ở phụ nữ. Nếu có thì cũng chỉ là những triệu chứng không rõ ràng và dễ gây nhầm lẫn sang các bệnh phụ khoa khác:

  • Ra huyết trắng bất thường
  • Tiểu khó
  • Đau âm ỉ vùng bụng dưới. 
  • Đau trực tràng/hậu môn hoặc tiết dịch ở hậu môn khi nhiễm lậu ở hậu môn trực tràng
  • Đau nhẹ cổ họng và viêm họng có thể xảy ra khi bị lậu ở hầu họng.

Ở phần lớn phụ nữ mắc bệnh lậu, các triệu chứng rất mơ hồ dẫn đến việc bệnh không được phát hiện và nhiễm trùng không được điều trị. Một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như bệnh viêm vùng chậu mạn tính, viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng, áp xe vòi trứng, thậm chí có thể dẫn đến thai ngoài tử cung và vô sinh. 

Đau âm ỉ vùng bụng dưới là triệu chứng của bệnh lậu ở nữ giới
Đau âm ỉ vùng bụng dưới là triệu chứng của bệnh lậu ở nữ giới

3. Cách phòng ngừa bệnh lậu

  • Nâng cao kiến thức về sức khỏe và tình dục lành mạnh, tình dục an toàn để phòng nhiễm bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV/AIDS. 
  • Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục. 
  • Đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị, tư vấn khi có nghi ngờ về bệnh lậu 
  • Quan hệ chung thủy 1 vợ – 1 chồng (hoặc 1 bạn tình) sẽ giúp hạn chế các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung và bệnh lậu nói riêng.

Bệnh lậu là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh lậu ở nam và nữ dù có những triệu chứng khác nhau nhưng cả hai đều phải chịu những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Quan hệ tình dục an toàn là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh lậu.

BS. Đặng Quang Tuấn | Bệnh viện Bình Dân

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến