Theo báo cáo năm 2017 của bộ Y tế ,Việt Nam có khoảng 270,000 – 300,000 người trong cộng đồng người đồng tính. Ngày nay với sự phát triển của xã hội, đề cao tự do cá nhân, thuật ngữ “đồng tính” không còn cần phải e dè khi được nhắc tới. Ngày càng có nhiều người đồng tính sống là chính mình. Những định kiến về giới tính đang dần được xóa mờ, nhưng điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải không ngừng lên tiếng để nhận được sự tôn trọng.
1. Công khai đồng tính và sự kỳ thị đồng tính
Khi là một người đồng tính, việc công khai bản thân có thể mang đến nhiều điều rắc rối.
- Tôn giáo không chấp nhận: có rất nhiều tôn giáo không chấp nhận quan điểm đồng tính.
- Rất nhiều người coi “đồng tính” là một sự bất thường khi được nuôi dạy từ nhỏ về các quan điểm chuẩn mực xã hội về giới tính. Sự “khác biệt” sẽ không được chấp nhận, cần được loại bỏ. Người đồng tính trở thành mục tiêu của bạo lực.
- “Đồng tính có thể lây”: Quan điểm này vẫn còn trong cộng đồng. Nhiều người không muốn người thân mình tiếp xúc người đồng tính vì sợ nguy cơ bị lôi kéo theo.
- Một thành phần khác liên quan đến kỳ thị đồng tính và xâm hại người đồng tính có thể là nổ lực từ chối hoặc kiềm nén cảm nhận đồng tính của bản thân. Chính bản thân người đồng tính (nhưng họ không cho mình là đồng tính) ghét cay đắng người đồng tính khác bằng cách kiềm chế, che dấu bản thân.
2. Tác động của sự kỳ thị đồng tính
2.1 Ảnh hưởng đến hoạt động cuộc sống
Khi người đồng tính tiết lộ bản thân có thể ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động, không cho kết hôn. Người đồng tính có thể bị gọi là Gay/Les để lăng nhục. Khi bị phát hiện, người đồng tính có nguy cơ mất bạn, bị gia đình chửi mắng, đánh đập. Một số cá nhân bị tấn công, bị đuổi học, bị đuổi ra khỏi chỗ ở, bị mất việc.
2.2 Bạo lực gia đình và sức khỏe tâm thần
Ba mẹ là người hoảng loạn đầu tiên khi phát hiện con mình là người đồng tính. Điều này dẫn đến hành vi cấm đoán, bạo lực, đưa con đi điều trị vì nghĩ con có vấn đề tâm thần.
2.3 Những tác động về mặt thể chất và tâm thần
Sự kỳ thị đồng tính này khiến người đồng tính trầm cảm, có ý định hoặc thực hiện hành vi tự tử. Ngoài ra, nhiều người vị thành niên bỏ nhà dễ sa vào các tệ nạn xã hội, lạm dụng rượu bia, trộm cắp, mại dâm, dẫn đến dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
3. Kỳ thị đồng tính và hệ quả về mặt sức khỏe và xã hội
3.1 Các bệnh lý tâm thần
Nhiều người đồng tính chia cuộc sống gia đình xã hội thành những sân khấu riêng biệt. Họ có thể cố gắng lập gia đình như một người bình thường nhưng vẫn duy trì sự khát khao về giới tính thật bản thân.
Áp lực duy trì và che dấu gây ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần, gây trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện. Theo nghiên cứu ở Boston, Mỹ trên học sinh phổ thông cho thấy ý định tự tử là 30 % (gấp 5 lần) và có hành vi tự tử 6% (gấp 2 lần) ở nhóm học sinh đồng tính so với nhóm học sinh khác.
3.2 Bệnh tình dục
Hoạt động tình dục ở người đồng tính mang nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tình dục. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây kỳ thị đồng tính. Người tham gia hoạt động tình dục đồng tính có nguy cơ mắc nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục nhất là HIV. Hoạt động tình dục qua hậu môn có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 18 lần so với quan hệ âm đạo bình thường.
Một số bệnh lây truyền qua tình dục cũng dễ lây nhiễm hơn khi giao hợp qua hậu môn như giang mai, lậu, chlamydia, herpes simplex virus, viêm gan siêu vi B. Các tác nhân này dễ lây truyền qua giao hợp đường miệng hơn so với HIV.
Đặc biệt, Virus gây sùi mào gà (HPV) vẫn lây cho bạn tình ngay cả khi không có giao hợp qua ngả hậu môn (chỉ cần tiếp xúc ngoài da, dương vật có HPV tiếp xúc với hậu môn của bạn tình thì hậu môn của bạn tình vẫn nhiễm HPV. Nhóm đồng tính còn có thể mắc các vi trùng đường ruột như Shigella hoặc Salmonella (truyền qua miệng – hậu môn hoặc khi dùng ngón tay đưa vào hậu môn bạn tình).
3.3 Bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách
- Tâm lý e ngại, che giấu vì sợ kỳ thị đồng tính khiến người đồng tính ngại đi khám bệnh khi các triệu chứng mới xuất hiện.
- Quyết định đi khám thì có xu hướng tránh né những cơ sở y tế có chuyên môn cao vì tâm lý sợ đám đông. Dẫn đến dễ bị lừa và điều trị ở những cơ sở y tế không chính quy.
- Không chủ động nói về xu hướng tình dục của mình ngay cả khi gặp bác sĩ điều trị.
- Có những nhóm bệnh lý tác nhân lây bệnh khác nhau hoàn toàn giữa người quan hệ tình dục âm đạo và quan hệ qua hậu môn. Nguy cơ nhiễm đa tác nhân lây truyền qua đường tình dục sẽ được bác sĩ tầm soát tốt hơn khi được biết xu hướng tình dục của bệnh nhân.
4. Giải quyết sự kỳ thị và sống thật với bản thân
- Hạn chế bạo lực và kỳ thị đồng tính bằng cách cho mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của đa dạng giới tính
- Liên hệ cộng đồng hỗ trợ người đồng tính để kết nối và nhận hỗ trợ từ họ. Người đồng tính sẽ không còn cảm giác đơn độc.
- Chọn người đầu tiên để thổ lộ: cố gắng chọn người chọn người mà bạn nghĩ họ sẽ chấp nhận giới tính của bạn và người đó nên là người dị tính.
- Rèn luyện tư tưởng: tự tưởng tượng đang nói chuyện tiết lộ bản thân với một người cụ thể. Một số người dị tính cảm thấy giới tính của bạn là một điều hoàn toàn bình thường và vẫn duy trì tình bạn với bạn. Theo thời gian, bạn sẽ tạo được mạng lưới những người bạn có thể thấu hiểu và sẻ chia cùng nhau.
- Khi có vấn đề sức khỏe hãy đến các cơ sở y tế chính quy, chuyên khoa để được tư vấn và điều trị. Đừng ngại chủ động nói về xu hướng giới tính của bản thân với nhân viên y tế. Các tiêu chuẩn đạo đức và bí mật thông tin sẽ luôn bảo vệ bạn.
Hiện nay, sự công nhận những người trong cộng đồng LGBT+ dần được trở nên cởi mở hơn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những luồng ý kiến trái chiều và kỳ thị đồng tính. Sự kỳ thị này vô tình dẫn đến những hậu quả nặng nề về sức khoẻ và quyền được chăm sóc y tế của con người. Sự tiết lộ và sống thật với giới tính mang đến hiệu quả điều trị và sự hỗ trợ y tế tốt hơn rất nhiều cho người đồng tính.
BS. Lê Anh Tuấn | Bệnh viện Bình Dân