STIs trong thời kỳ mang thai - Những điều mẹ bầu cần biết (Phần 1) - Tình Dục Thông Thái

STIs trong thời kỳ mang thai – Những điều mẹ bầu cần biết (Phần 1)

Trong giai đoạn thai kỳ, sức khỏe của mẹ và thai nhi đều có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Ngay cả khi bé được sinh ra đời vẫn có nguy cơ bị lây truyền STIs từ mẹ. Dưới đây là những điều mẹ bầu cần biết về ảnh hưởng của STIs trong thai kỳ đối với sức khỏe của mẹ và quá trình phát triển của bé.

Liệu mẹ bầu có thể mắc STIs không?

Mẹ bầu vẫn có thể nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) như phụ nữ không mang thai. STIs không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng có thai của phụ nữ, mà còn gây bất lợi cho sức khỏe của mẹ và bé khi đang trong giai đoạn thai kỳ. Việc mang thai không cung cấp cho mẹ và thai nhi bất cứ yếu tố bảo vệ nào để không mắc các bệnh STIs này. 

Việc mắc STIs trong thai kỳ còn đáng lo ngại hơn vì “sự thầm lặng” của bệnh. Vì bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc triệu chứng xảy ra nhẹ, nên mẹ bầu có thể không phát hiện những bất thường do bệnh gây ra. Từ đó làm bệnh diễn tiến nặng hơn và chậm trễ trong điều trị, để lại nhiều biến chứng cho cả mẹ và bé.

Mắc STIs trong thai kỳ có lây sang con không?

Người mẹ mắc STIs có thể lây sang thai nhi trong giai đoạn bào thai hoặc lây truyền qua đường sinh nở trong lúc em bé chào đời. 

Đường lây truyền chủ yếu của một số bệnh STIs mà bé có thể mắc phải, bao gồm:

  • Giang mai lây truyền qua nhau thai và ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển trong tử cung.
  • Một số bệnh STIs khác như bệnh lậu (do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra),  bệnh Chlamydia (do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra), viêm gan B, Herpes sinh dục (do virus Herpes gây ra) lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh sản .
  • Bệnh HIV có thể lây truyền qua nhau thai và cả lúc mẹ đang sinh bé.  

STIs có thể lây truyền từ mẹ sang bé trong thai kỳ và trong lúc sinh nở

Ảnh hưởng của bệnh STIs đến mẹ bầu, thai nhi và trẻ nhỏ

Theo Tổ chức về sức khỏe phụ nữ (OWH), mắc STIs trong thời kỳ mang thai làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tử cung sau sinh. Nếu không điều trị, các bệnh truyền nhiễm này có thể dẫn đến hiếm muộn và các vấn đề sinh sản khác. Không chỉ ảnh hưởng đến mẹ bầu, các bệnh STIs còn tác động bất lợi đến sự phát triển của trẻ từ khi trong bụng mẹ và cả sau khi trẻ đã chào đời. Một số bệnh có thể không được phát hiện cho đến khi bé đạt vài tháng đến vài năm tuổi. Sau đây là những hệ quả ảnh hưởng đến mẹ và bé khi không điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong thời gian mang thai:

1. Bệnh Chlamydia

  • Không điều trị bệnh Chlamydia trong thai kỳ dẫn đến nguy cơ sinh non. Ngoài ra, mẹ bầu có thể mắc tình trạng viêm nhiễm vùng chậu, làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung hoặc ảnh hưởng khả năng sinh sản. 
  • Bệnh Chlamydia có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh con bằng ngã âm đạo. Trẻ sinh ra có thể bị viêm kết mạc với tình trạng đỏ mắt, sưng mí mắt và dử mắt dạng mủ hoặc viêm phổi.

2. HPV

  • Nhiễm HPV (tên gọi chung cho một nhóm các virus gây bệnh) gây nổi mụn cóc ở bộ phận sinh dục hoặc mụn cóc nổi ở tay chân, nặng nề hơn là ung thư cổ tử cung. Phụ nữ mắc HPV có thể không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào. Do đó việc sàng lọc HPV và kiểm tra nguy cơ ung thư cổ tử cung có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
  • Nguy cơ lây truyền HPV từ mẹ sang con không cao. Trong trường hợp hiếm, trẻ nhiễm HPV từ mẹ có thể bị viêm nhiễm hoặc nổi mụn cóc ở cổ họng hoặc bộ phận sinh dục.

3. Bệnh lậu

  • Mắc bệnh lậu trong thai kỳ có liên quan đến hậu quả sẩy thai, sinh non và vỡ màng ối sớm. Tương tự như bệnh Chlamydia, việc không điều trị bệnh lậu khi mang thai dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm vùng chậu, gây tổn thương tử cung hoặc ống dẫn trứng. Các tình trạng trên là nguyên nhân làm giảm khả năng sinh sản và tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
  • Vi khuẩn gây bệnh lậu lây truyền qua trẻ trong quá trình sinh nở bằng ngã âm đạo. Trẻ nhỏ nhiễm bệnh lậu có thể bị mù lòa, nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng hoặc nhiễm trùng trên khớp.

4. Herpes sinh dục

  • Tác nhân gây bệnh Herpes sinh dục là virus Herpes Simplex (HSV), gây ra mụn nước và lở loét tại cơ quan sinh dục.
  • Trẻ có thể mắc Herpes bẩm sinh lây truyền từ mẹ trong lúc mang thai, lúc sinh nở và cả sau khi sinh. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, Herpes gây tác động nghiêm trọng hơn với những triệu chứng như: Sốt cao, co giật, lờ đờ… thậm chí gây tử vong nếu lan truyền đến các cơ quan khác như mắt, não và phổi.

5. HIV

  • HIV là bệnh truyền nhiễm dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). HIV làm giảm hoạt động tại hệ miễn dịch và làm người mẹ bị giảm sức đề kháng, từ đó dễ bị tác động bởi các tác nhân gây bệnh khác.
  • Mẹ có thể lây truyền HIV sang con trong giai đoạn mang thai, lúc sinh nở và cả khi cho con bú. HIV làm suy giảm hoạt động của hệ miễn dịch, do đó trẻ mắc HIV có nguy cơ cao bị viêm phổi nghiêm trọng.

Tầm soát HIV từ sớm để hạn chế những ảnh hưởng lên mẹ và bé

6. Viêm gan B

  • Virus viêm gan B là tác nhân gây bệnh trên gan và người mẹ mắc bệnh viêm gan B có thể lây truyền qua con trong thời gian mang thai. Theo CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ), nguy cơ lây truyền sang con sẽ cao hơn khi người mẹ mắc bệnh vào gần ngày sinh nở.
  • Trẻ nhỏ sinh ra nhiễm virus gây viêm gan B có nguy cơ cao mắc bệnh gan mạn tính hoặc ung thư gan.

7. Giang mai

  • Giang mai là bệnh lây nhiễm do vi khuẩn. Khả năng xâm lấn của xoắn khuẩn giang mai là sự tác động vào đa cơ quan gồm não, tim, mắt, tai và xương.
  • Tình trạng bị lây truyền giang mai từ khi trong bụng mẹ gọi là giang mai bẩm sinh. Thai nhi mắc giang mai bẩm sinh làm tăng nguy cơ sinh non hoặc thậm chí làm thai chết lưu. Trẻ nhỏ khi sinh ra mắc giang mai có thể không có triệu chứng, nhưng nếu không điều trị sẽ phát bệnh trong vài tuần sau sinh. Giang mai ở trẻ nhỏ cũng có thể lan nhiễm khắp cơ thể đến các cơ quan khác.

8. Viêm âm đạo do ký sinh trùng Trichomonas vaginalis 

  • Người nhiễm Trichomonas vaginalis thường không có triệu chứng rõ rệt, nhưng viêm nhiễm có thể dẫn đến nguy cơ vỡ ối sớm.
  • Trẻ sinh ra từ mẹ đang nhiễm Trichomonas không chỉ có nguy cơ sinh non mà còn thường gặp tình trạng thiếu cân.

Tầm soát STIs trong thai kỳ để bảo vệ mẹ và bé

Việc điều trị các bệnh STIs đúng lúc và kịp thời có thể giúp giảm nguy cơ lây truyền bệnh từ mẹ qua thai nhi. Mặc khác, để ngăn chặn những hậu quả kể trên, việc xét nghiệm và kiểm tra các bệnh STIs trong thai kỳ là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến