Tầm quan trọng của khám phụ khoa định kỳ - Tình Dục Thông Thái

Tầm quan trọng của khám phụ khoa định kỳ

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15-27%. Tuy nhiên đa số mọi người có tâm lý e ngại, chủ quan, chỉ khi bệnh nặng mới đến viện thăm khám. Khi đó việc điều trị sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian. 

1.  Khám phụ khoa là gì?

Khám phụ khoa là kiểm tra hệ cơ quan sinh dục và sinh sản ở nữ giới để đánh giá sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh ở khu vực này. Thông thường trong quá trình khám phụ khoa bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo, tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và cổ tử cung. 

Khám phụ khoa là kiểm tra hệ cơ quan sinh dục và sinh sản ở nữ giới
Khám phụ khoa là kiểm tra hệ cơ quan sinh dục và sinh sản ở nữ giới

Các cơ quan được thực hiện kiểm tra, thăm khám gồm:

  • Tử cung (dạ con)
  • Cổ tử cung (mở từ âm đạo đến tử cung)
  • Âm đạo (ống co giãn nối tử cung và cổ tử cung)
  • Ống dẫn trứng (ống dẫn trứng đến tử cung)
  • Buồng trứng (tuyến sản xuất trứng)
  • Bàng quang (túi chứa nước tiểu)
  • Trực tràng (nối giữa đại tràng với ống hậu môn)

2. Quy trình khám phụ khoa

Khi bắt đầu khám phụ khoa, bạn cần thay quần áo trong phòng riêng. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm ngửa, thư giãn, đặt chân vào giá đỡ. Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện một số thăm khám dưới đây:

  • Khám bên ngoài: Kiểm tra trực quan âm đạo và âm hộ
  • Thăm khám bằng tay: Bác sĩ sẽ đặt một hoặc hai ngón tay vào bên trong âm đạo để kiểm tra, và phát hiện những bất thường hoặc tổn thương.
  • Khám bằng dụng cụ mỏ vịt: Một dụng cụ hình mỏ vịt sẽ được đưa vào âm đạo. Sau đó mỏ vịt được mở để làm rộng thành âm đạo, bác sĩ sẽ dễ dàng nhìn thấy âm đạo, cổ tử cung hơn.
  • Xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung):  Xét nghiệm này tìm kiếm các tế bào tiền ung thư trên cổ tử cung. Xét nghiệm Pap không phải lúc nào cũng được thực hiện trong khi khám phụ khoa. 
  • Khám trực tràng: Bác sĩ có thể đưa ngón tay vào trực tràng để phát hiện khối u hoặc bất thường nào khác.

3. Vai trò của khám phụ khoa định kỳ 

Thông qua khám phụ khoa, bác sĩ có thể phát hiện:

  • Các tình trạng viêm nhiễm âm hộ, âm đạo (do nấm, virus, vi khuẩn, trùng roi,…), bao gồm cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Bất thường đường sinh dục ảnh hưởng tới việc mang thai và sinh con (tử cung một sừng, tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn,…)
  • Bệnh lý cơ quan sinh sản (viêm cổ tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm nội mạc tử cung,…)
  • Tổn thương tiền ung thư (nội mạc tử cung, cổ tử cung,…)
  • Ung thư phụ khoa (ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng,…)
Khám phụ khoa có thể giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư
Khám phụ khoa có thể giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư

Như vậy, khám phụ khoa là giải pháp giúp bạn bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình, phát hiện bệnh lý tiềm ẩn, từ đó điều trị kịp thời và phòng ngừa bệnh tiến triển.

4. Khi nào nên khám phụ khoa?

Các bạn nữ nên khám phụ khoa lần đầu từ 13 hoặc 15 tuổi. Nếu thời điểm này chưa thực hiện thăm khám, thời gian cần thực hiện là ở độ tuổi 21. Sau đó tiếp tục khám định kỳ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguy cơ mắc bệnh, tiền sử bệnh, độ tuổi. Các bác sĩ có thể đề nghị thăm khám hàng năm hoặc 3 năm một lần cho đến khi bạn 65 tuổi. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để biết được thời điểm tái khám thích hợp.

Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn có những biểu hiện của bệnh phụ khoa thì cần đi khám sớm, chẳng hạn như: 

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt 
  • Đau rát vùng âm đạo
  • Vùng âm đạo bị chảy máu hoặc tiết dịch bất thường
  • Vùng kín nổi mụn, sưng đỏ bất thường.
  • Đau vùng chậu hoặc khi quan hệ tình dục
  • Đặc biệt, trước khi quyết định có thai bạn cũng cần thăm khám phụ khoa. Điều đó sẽ đảm bảo sức khỏe cho bạn và em bé sau này. 

5. Cần chuẩn bị gì khi thăm khám phụ khoa?

Thăm khám phụ khoa được thực hiện ở “vùng kín”, nên “tâm lý” là một trong những vấn đề không ít người gặp phải. Nhiều bạn e ngại, lo lắng khi khám phụ khoa, đặc biệt là những bạn trẻ và khám lần đầu. Các bạn thường ngại chia sẻ hay đặt câu hỏi cho bác sĩ. 

Chuẩn bị tâm lý tốt sẽ giúp kết quả thăm khám chính xác hơn. Bạn có thể xem việc khám phụ khoa như bệnh bình thường, từ đó thả lỏng cơ thể và giữ tâm lý thoải mái. Bạn cũng có thể chia sẻ cảm giác của mình với bác sĩ để thực hiện quá trình này dễ chịu hơn.

Ngoài ra bạn có thể đi cùng với người thân của mình như mẹ, chị hay chồng,… họ sẽ là điểm tựa tâm lý trong những ngày khám bệnh. Hoặc trước đó, bạn cũng có thể tâm sự, trò chuyện với người đã từng khám phụ khoa để có thêm lời khuyên và kinh nghiệm.

Đi khám phụ khoa cùng người thân giúp tâm lý ổn định hơn
Đi khám phụ khoa cùng người thân giúp tâm lý ổn định hơn

Một số lưu ý trước khi đi khám phụ khoa: 

  • Không nên khám phụ khoa vào ngày nguyệt san. Khám phụ khoa vào ngày này rất dễ gây ngại ngùng và khiến bạn không thoải mái. 
  • Hạn chế quan hệ 2 ngày trước khi khám. Bạn cần tránh quan hệ hoặc sử dụng các thuốc dùng đường âm đạo. Vì điều này có thể làm kết quả chẩn đoán kém chính xác.
  • Bạn nên mặc đồ rộng rãi để việc thăm khám được dễ dàng hơn. 
  • Nên chuẩn bị đầy đủ chi phí để dự phòng, bao gồm chi phí thăm khám, phí xét nghiệm và chi phí khác.

Khám phụ khoa đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, đẩy lùi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Bạn hãy thăm khám phụ khoa định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể chăm sóc tốt nhất cho vùng nhạy cảm này nhé.

 

Dược sĩ Hà Kiều Oanh

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến