Tầm soát ung thư cổ tử cung - Tình Dục Thông Thái

Tầm soát ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ. Hãy cùng Tình dục thông thái tìm hiểu thêm về ung thư cổ tử cung, tầm soát ung thư cổ tử cung; triệu chứng và các giai đoạn của ung thư cổ tử cung trong bài viết này nhé!

1. Ung thư cổ tử cung có phổ biến không?

Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu. Theo WHO, có khoảng 604.000 ca mắc mới và 342.000 ca tử vong vào năm 2020. Khoảng 90% số ca mắc mới và tử vong này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. 

Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu và điều trị kịp thời. Tiêm phòng HPV, tầm soát và điều trị các tổn thương tiền ung, chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung xâm lấn, chăm sóc giảm nhẹ là những biện pháp để kiểm soát toàn diện ung thư cổ tử cung. 

Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ.

2. Triệu chứng báo hiệu ung thư cổ tử cung thường gặp?

Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và tiền ung thư thường không có triệu chứng. Các triệu chứng xuất hiện khi ung thư trở nên lớn hơn và phát triển vào mô lân cận. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Chảy máu âm đạo bất thường: chảy máu sau khi quan hệ tình dục qua âm đạo, chảy máu sau khi mãn kinh, chảy máu giữa các kỳ kinh, kinh nguyệt kéo dài hơn hoặc nhiều hơn bình thường, chảy máu sau khi thụt rửa
  • Tiết dịch bất thường từ âm đạo: dịch tiết có thể có máu, có thể xảy ra giữa chu kỳ kinh nguyệt, hoặc sau khi mãn kinh.
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau ở vùng xương chậu

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bệnh tiến triển nặng hơn bao gồm:

  • Sưng cẳng chân
  • Vấn đề khi đi tiểu hoặc đi tiêu
  • Tiểu ra máu

Những triệu chứng trên cũng có thể do các bệnh lý khác gây ra. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng kể trên, hãy đi thăm khám ngay. Bỏ qua các triệu chứng mà không thăm khám sớm tạo điều kiện cho ung thư phát triển nặng hơn và làm giảm cơ hội điều trị thành công.

Các triệu chứng ung thư cổ tử cung
Các triệu chứng ung thư cổ tử cung

3. Ung thư cổ tử cung qua các Giai đoạn nào và có thể gây ra những biến chứng gì?

Có 4 giai đoạn ung thư cổ tử cung chính:

3.1 Các giai đoạn ung thư cổ tử cung

Liên đoàn Phụ khoa và Sản khoa Quốc tế (FIGOđ) phân chia các giai đoạn ung thư cổ tử cung thành 4 giai đoạn chính như sau:

  • Giai đoạn 0: Ung thư biểu mô tại chỗ. Các tế bào bất thường ở lớp tế bào trong cùng của cổ tử cung.
  • Giai đoạn I: Ung thư hoàn toàn khu trú tại cổ tử cung, 
  • Giai đoạn II: Phát triển của ung thư vượt ra ngoài cổ tử cung nhưng chưa tới thành chậu hoặc 1/3 phần dưới của âm đạo.
  • Giai đoạn III: Ung thư lan đến thành chậu và/hoặc 1/3 phần dưới của âm đạo, và/hoặc gây thận ứ nước hoặc suy giảm chức năng thận do xâm lấn niệu quản.
  • Giai đoạn IV: Ung thư lan rộng ra ngoài khung chậu hoặc xâm lấn niêm mạc bàng quang hoặc trực tràng.

3.2 Biến chứng có thể gặp khi bị ung thư cổ tử cung: 

Các biến chứng khi bệnh tiến triển cũng tương tự như các bệnh ung thư khác. 

Các biến chứng có thể bao gồm suy thận, thận ứ nước, đau, phù bạch huyết, rối loạn xuất huyết. Các biến chứng hiếm gặp là mù lòa.

4. Tầm soát ung thư cổ tử cung

Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap

4.1 Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap
Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap

Mục đích của tầm soát ung thư cổ tử cung là để tìm kiếm các tế bào bất thường gây ung thư trước khi cơ thể có bất cứ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào, nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung. 

Xét nghiệm Pap là thủ thuật để thu thập các tế bào trên bề mặt cổ tử cung và khu vực xung quanh. Các tế bào sẽ được xem dưới kính hiển vi để tìm xem có gì bất thường không. Thủ thuật này còn được gọi là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 65 tuổi được kiểm tra bằng xét nghiệm Pap sẽ giảm nguy cơ tử vong do ung thư cổ tử cung.

Sau khi kết quả xét nghiệm Pap dương tính, xét nghiệm HPV sẽ được thực hiện. Xét nghiệm được tiến hành trong phòng thí nghiệm, kiểm tra DNA hoặc RNA của tế bào cổ tử cung để xem tế bào có bị nhiễm một số loại HPV hay không. Có thể sử dụng mẫu tế bào được lấy ra trong quá trình xét nghiệm Pap để làm xét nghiệm HPV khi xét nghiệm Pap thấy có tế bào cổ tử cung bất thường. 

4.2 Đối tượng nên tầm soát ung thư cổ tử cung

Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên tầm soát bằng xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV cứ 5 năm một lần sẽ phát hiện ra các thay đổi ở cổ tử cung dẫn đến ung thư nhiều hơn so với chỉ sàng lọc bằng xét nghiệm Pap. Việc tầm soát bằng cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV giúp giảm số ca ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, xét nghiệm HPV vẫn có thể được thực hiện để tầm soát ung thư cổ tử cung, mà không thực hiện xét nghiệm Pap trước đó. 

Các bác sĩ có thể khuyên bạn nên làm xét nghiệm Pap hàng năm để tầm soát ung thư cổ tử cung. Những nghiên cứu gần đây cho thấy sau khi làm xét nghiệm Pap mà kết quả không thấy tế bào bất thường, xét nghiệm có thể được lặp lại sau mỗi 2 đến 3 năm. Bạn cũng cần lưu ý rằng xét nghiệm Pap không phải là xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung hữu ích ở những phụ nữ sau:

  • Phụ nữ dưới 21 tuổi.
  • Phụ nữ đã cắt toàn bộ tử cung (phẫu thuật cắt bỏ tử cung và cổ tử cung) vì bệnh không phải ung thư.
  • Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên và kết quả xét nghiệm Pap không thấy có tế bào bất thường. 

Vì thế, bạn cần tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên khoa để đưa ra quyết định về tần suất làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung phù hợp.

Tầm soát ung thư cổ tử cung từ khi chưa có bất cứ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào là việc rất cần thiết để phát hiện sớm và tăng hiệu quả điều trị bệnh. Thăm khám phụ khoa định kỳ và thực hiện tầm soát phù hợp sẽ giúp bạn phòng tránh được những hậu quả nặng nề mà ung thư cổ tử cung gây ra. 

Dược sĩ Hà Kiều Oanh

 

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến