Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính tới năm 2030 trên phạm vi toàn cầu, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung sẽ lên đến 443.000 trường hợp. Con số này cao gấp đôi con số ước tính về tỷ lệ tử vong do các biến chứng liên quan tới sản khoa. Ở Việt Nam, theo thống kê từ HPV Information Center công bố vào tháng 10/2021, có khoảng 4.132 trường hợp ung thư cổ tử cung mới được chẩn đoán hàng năm. Đây cũng là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 5 ở phụ nữ Việt trong độ tuổi từ 15 – 44 tuổi. Vậy yếu tố nào. dẫn đến ung thư cổ tử cung? Hãy cùng Tình dục thông thái tìm hiểu nhé.
1. Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý u ác tính ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung mở vào trong âm đạo). Các tế bào biểu mô ở cổ tử cung phát triển một cách bất thường, thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể, có thể tiến triển tại chỗ, xâm lấn vào các cơ quan lân cận, hay di căn đến các cơ quan xa.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ từ độ tuổi 30 trở đi, đứng hàng thứ 2 trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc bệnh cũng như tỷ lệ tử vong.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến ung thư cổ tử cung?
HPV được xem là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ung thư ở cổ tử cung (>95%). Tuy nhiên không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, việc nhiễm dai dẳng hoặc tái nhiễm nhiều lần với các chủng HPV nguy cơ cao sẽ gây ra những tổn thương không hồi phục, và có thể tiến triển tới tiền ung thư, sau đó là ung thư.
Trong đó, 2 chủng HPV nguy cơ cao là 16 và 18 là nguyên nhân gây ra 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, còn có các chủng HPV nguy cơ cao khác như 31, 33, 45, 52, 58.
3. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung
- Quan hệ tình dục sớm (lúc chưa đủ 18 tuổi), quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, hoặc có một bạn tình có nguy cơ cao (có nhiều bạn tình hoặc đã nhiễm HPV)
- Hút thuốc lá: Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung gấp hai lần so với không hút thuốc lá. Các nhà nghiên cứu tin rằng những hợp chất từ thuốc lá làm tổn thương hệ gen ở tế bào cổ tử cung và có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Hơn nữa, hút thuốc cũng làm giảm khả năng chống lại HPV của hệ miễn dịch.
- Suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc phá hủy các tế bào ung thư, làm chậm lại quá trình tiến triển và di căn của các tế bào ung thư. Ở phụ nữ nhiễm HIV, tiền ung thư phát triển thành ung thư cổ tử cung nhanh hơn so với người bình thường. Những người dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch để điều trị bệnh tự miễn hay chống thải ghép cũng có nguy cơ ung thư cổ tử cung
- Mắc Chlamydia: Chlamydia là loại vi khuẩn lây lan qua quan hệ tình dục tương đối phổ biến. Ở những phụ nữ đã từng nhiễm chlamydia, nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn người bình thường. Vi khuẩn Chlamydia có thể giúp HPV phát triển và sinh sống trong cổ tử cung, dẫn đến làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài trên 5 năm: Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai càng lâu thì nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung càng tăng. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư cổ tử cung tăng 10% khi sử dụng thuốc tránh thai dưới 5 năm, tăng 60% nguy cơ khi sử dụng thuốc từ 5-9 năm và tăng gấp đôi nguy cơ khi sử dụng thuốc tránh thai từ 10 năm trở lên. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư cổ tử cung giảm dần theo thời gian sau khi phụ nữ ngừng sử dụng thuốc tránh thai và trở về bình thường sau nhiều năm ngưng sử dụng.
- Mang thai nhiều lần: Người mang thai hơn 3 lần có nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn. Sự thay đổi hormon trong thai kỳ có thể làm tăng khả năng nhiễm HPV hoặc sự phát triển của khối u.
- Mang thai lần đầu khi còn quá trẻ: Phụ nữ mang thai lần đầu dưới 20 tuổi có nhiều khả năng bị ung thư cổ tử cung hơn những phụ nữ mang thai lần đầu sau 25 tuổi.
- Chế độ ăn ít trái cây và rau xanh: Phụ nữ ăn không đủ trái cây và rau xanh cũng gia tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung
- Có tiền sử gia đình bị ung thư cổ tử cung: Nếu mẹ hoặc chị gái của bạn bị ung thư cổ tử cung, khả năng bạn mắc bệnh sẽ cao hơn so với trường hợp không ai trong gia đình mắc bệnh này.
- Điều kiện kinh tế: Những phụ nữ không có đủ điều kiện để sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm tầm soát ung thư cổ tử cung với xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) và xét nghiệm HPV. Điều này dẫn tới họ không được sàng lọc để chẩn đoán sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Như vậy, ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư khá phổ biến ở Việt Nam. Kiến thức về bệnh và những yếu tố nguy cơ gây bệnh trong bài biết sẽ giúp bạn hiểu hơn về khả năng nhiễm bệnh của mình. Tầm soát ung thư cổ tử cung và thăm khám phụ khoa định kỳ luôn là giải pháp tốt để phát hiện, điều trị bệnh kịp thời, phòng tránh những hậu quả nặng nề về sau.
Dược sĩ Hà Kiều Oanh