5 bệnh lây qua đường tình dục mà bạn cần lưu ý - Tình Dục Thông Thái

5 bệnh lây qua đường tình dục mà bạn cần lưu ý

WHO ước tính có hơn 1 triệu ca nhiễm trùng qua đường tình dục mới mỗi ngày, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Dưới đây là những thông tin cần lưu ý về 5 bệnh lây qua đường tình dục thường gặp.

1. Bệnh lậu 

Lậu là bệnh lây qua đường tình dục, gây ra bởi vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae – một loại song cầu gram âm sống trong tế bào. Nó lây nhiễm qua màng nhầy của đường sinh sản, bao gồm cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng và niệu đạo. N. gonorrhoeae cũng có thể lây nhiễm qua màng nhầy của miệng, họng, mắt và trực tràng.  Nhiễm lậu thường không triệu chứng ở cả nam và nữ. 

  • Ở nam, đôi khi có thể biểu hiện triệu chứng viêm niệu đạo như tiểu khó, tiết dịch niệu đạo màu trắng, vàng hoặc xanh, thường xuất hiện 1-4 ngày sau khi nhiễm khuẩn. Trong trường hợp viêm niệu đạo phức tạp do viêm mào tinh hoàn, nam giới mắc lậu cũng có thể than đau tinh hoàn hoặc bìu.
  • Ở nữ, ngay cả khi có triệu chứng, chúng thường nhẹ và không đặc hiệu đến nỗi họ nhầm lẫn với tình trạng viêm bàng quang hay viêm âm đạo. Các triệu chứng ban đầu ở phụ nữ gồm tiểu khó, tăng tiết dịch âm đạo, xuất huyết âm đạo giữa các kỳ kinh. 
Nhiễm lậu thường không triệu chứng ở cả nam và nữ
Nhiễm lậu thường không triệu chứng ở cả nam và nữ

2. Bệnh giang mai

Xoắn khuẩn Treponema pallidum gây bệnh giang mai, được tìm thấy lần đầu năm 1905. Nó có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 10-13 micromet và đường kính chỉ cỡ 0,15 micromet. Lây truyền T. pallidum thường xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với vết thương khi quan hệ. 

Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 10-90 ngày. Nhiễm giang mai thường trải qua 4 giai đoạn với các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau.

  • Giang mai giai đoạn 1: Đặc trưng bởi săng giang mai xuất hiện tại vị trí vi khuẩn xâm nhập. Săng thường chắc, tròn và không đau, kéo dài từ 3-6 tuần và lành bất kể có điều trị hay không. 
  • Giang mai giai đoạn 2: Biểu hiện thường gặp là phát ban trên da và/hoặc tổn thương màng nhầy (các vết loét ở miệng, âm đạo, hậu môn). Phát ban thường không ngứa, xuất hiện dưới dạng các nốt sẩn đỏ hoặc nâu đỏ ở lòng bàn tay và bàn chân.
  • Giang mai tiềm ẩn: Có thể tồn tại trong nhiều năm mà không có triệu chứng.
  • Giang mai giai đoạn 3: Thường rất hiếm, xuất hiện 10-30 năm sau khi bị nhiễm khuẩn và có thể gây tử vong. Giang mai giai đoạn 3 gây ra ảnh hưởng trên nhiều hệ thống cơ quan, bao gồm: não, dây thần kinh, mắt, tim, mạch máu, gan, xương, khớp. Triệu chứng bệnh tùy vào hệ cơ quan bị ảnh hưởng. 
Nhiễm giang mai cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời
Nhiễm giang mai cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời

3. Bệnh Chlamydia 

Chlamydia là bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia trachomatis – vi khuẩn gram âm sống ký sinh bắt buộc trong tế bào. Thời gian ủ bệnh của Chlamydia không rõ ràng. Đây được xem là bệnh nhiễm trùng “thầm lặng” do hầu hết người bệnh không triệu chứng. 

  • Ở nữ, ban đầu vi khuẩn gây nhiễm ở cổ tử cung, có thể gây ra các triệu chứng viêm cổ tử cung như tiết dịch mủ, gây xuất huyết nội mạc tử cung. Khi nhiễm khuẩn ở niệu đạo, có thể dẫn đến viêm niệu đạo gồm tiểu mủ, tiểu buốt, tiểu rát. Nhiễm khuẩn có thể lây từ cổ tử cung đến đường sinh sản trên (tử cung và ống dẫn trứng) gây viêm vùng chậu có thể làm đau bụng và/hoặc đau vùng chậu. 
  • Ở nam, có các triệu chứng điển hình của viêm niệu đạo như tiết dịch niệu đạo, tiểu khó. Một số bị viêm mào tinh hoàn với biểu hiện đau, căng, sưng tinh hoàn một bên. 
Chlamydia có thể gây ra các triệu chứng viêm vùng chậu ở nữ giới
Chlamydia có thể gây ra các triệu chứng viêm vùng chậu ở nữ giới

Chlamydia có thể gây nhiễm ở trực tràng của nam và nữ, xảy ra trực tiếp khi quan hệ qua đường hậu môn hoặc lây lan từ cổ tử cung, âm đạo ở nữ. Có thể không triệu chứng hoặc triệu chứng viêm tuyến tiền liệt (nam) như đau trực tràng, tiết dịch và/hoặc xuất huyết. Ngoài ra, Chlamydia cũng có thể gây viêm kết mạc khi tiếp xúc với dịch tiết sinh dục bị nhiễm khuẩn. 

4. Bệnh Herpes sinh dục

Herpes sinh dục là bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra bởi virus herpes simplex tuýp 1 (HSV-1) hoặc tuýp 2 (HSV2).  

Hầu hết người bị nhiễm HSV không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ thường nhầm lẫn với một vấn đề về da khác. Khi có triệu chứng xảy ra, các tổn thương mụn rộp thường xuất hiện dưới dạng các mụn nước hoặc mụn rộp nhỏ, ở trên hay xung quanh bộ phận sinh dục, trực tràng, miệng. Thời gian ủ bệnh trung bình đối với nhiễm Herpes ban đầu là 4 ngày sau khi tiếp xúc. Các mụn nước vỡ ra và để lại những vết loét gây đau, có thể mất 2-4 tuần để lành sau lần nhiễm Herpes ban đầu. Các triệu chứng trên được xem là đợt “bùng phát” mụn rộp đầu tiên. 

Biểu hiện lâm sàng của herpes sinh dục khác nhau giữa đợt bùng phát đầu tiên và những đợt tái phát sau đó. Đợt đầu tiên thời gian thường kéo dài hơn, có sự tăng nhanh tải lượng virus, và xuất hiện thêm các triệu chứng toàn thân như sốt, đau nhức cơ thể, sưng hạch, đau đầu. Các đợt tái phát sau đó khá phổ biến, thời gian ngắn và ít nghiêm trọng hơn.  

Các tổn thương mụn nước hoặc mụn rộp nhỏ có thể là biểu hiện nhiễm Herpes
Các tổn thương mụn nước hoặc mụn rộp nhỏ có thể là biểu hiện nhiễm Herpes

5. Bệnh HIV

HIV là một loại virus tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).

Sau 2-4 tuần nhiễm HIV, hầu hết mọi người có triệu chứng giống cúm kéo dài vài ngày đến vài tuần: sốt, đau họng, đổ mồ hôi đêm, loét miệng, sưng hạch, mệt mỏi,… Khi có những triệu chứng này không đồng nghĩa với việc bạn bị nhiễm HIV. Các bệnh khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Cách duy nhất để biết liệu mình có bị nhiễm HIV hay không là đi xét nghiệm.

Xét nghiệm HIV càng sớm càng làm tăng hiệu quả điều trị
Xét nghiệm HIV càng sớm càng làm tăng hiệu quả điều trị

Bệnh lây qua đường tình dục thường không triệu chứng, hay triệu chứng nhẹ dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, khi quan hệ không an toàn, hoặc có bất kỳ một triệu chứng nào nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm chẩn đoán và điều trị sớm, tránh các hậu quả không mong muốn.

 

Bác sĩ Bùi Thị Ánh Phương

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến