Độ pH âm đạo thường được ví như thước đo sức khoẻ “cô bé”. Duy trị cân bằng pH âm đạo giúp vùng kín khoẻ mạnh, hạn chế viêm nhiễm, nấm. Vậy môi trường âm đạo bình thường có pH là bao nhiêu? Tại sao cần duy trì sự cân bằng pH của âm đạo? Tất cả sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây của Tình dục thông thái nhé!
1. Độ pH bình thường của âm đạo là bao nhiêu?
pH là chỉ số đo độ hoạt động của các ion H+ trong dung dịch. pH dùng để phân biệt các loại dung dịch hay đặc tính của từng loại dung dịch. pH được lấy thang đo từ 0-14:
- pH =7: trung tính
- pH <7: acid
- pH> 7: bazo
Độ pH bình thường của âm đạo là từ 3.8 – 4.5. Đây là độ pH lý tưởng nhất cho vi khuẩn có lợi phát triển. Tuy nhiên, ở từng độ tuổi sẽ có sự thay đổi pH âm đạo. Trong giai đoạn sinh sản (15-49 tuổi) pH âm đạo có xu hướng giảm dưới 4.5. Trước khi dậy thì và sau mãn kinh, pH thường cao hơn 4.5.
Hệ sinh vật tại âm đạo rất phong phú bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Lactobacilli chiếm tỷ lệ lớn trong hệ sinh vật này, giúp chuyển hóa glycogen thành acid lactic tạo môi trường acid cho âm đạo, duy trì sự cân bằng pH âm đạo.
2. Vai trò của độ pH âm đạo là gì?
Niêm mạc âm đạo là biểu mô có tính chất nhạy cảm với nội tiết tố estrogen, có thể tự bảo vệ trước tác động của vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh trong điều kiện pH bình thường. Khi có một yếu tố bất thường khiến pH âm đạo mất cân bằng, hàng rào bảo vệ cơ thể kém hiệu quả sẽ là điều kiện thuận lợi để vi sinh vật có hại phát triển gây viêm nhiễm.
Đặc biệt, viêm nhiễm phụ khoa lại càng tăng thêm tình trạng mất cân bằng pH âm đạo, tạo điều kiện cho viêm nhiễm ngày càng nặng hơn, đó là một vòng xoắn bệnh lý.
- Nếu pH môi trường quá acid sẽ có tác dụng bảo vệ âm đạo tuy nhiên nó lại làm giảm khả năng sinh sản, gây khó khăn cho việc thụ thai.
- Môi trường kiềm sẽ lí tưởng để tinh trùng phát triển mạnh. Độ pH tối ưu để chúng bơi lên là từ 7-8.5.
- pH cao có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
3. Nguyên nhân gây ra mất cân bằng pH âm đạo
- Sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân đường uống hoặc đặt thuốc âm đạo không có chỉ định của bác sĩ
- Sử dụng các thuốc điều trị nấm, điều trị corticoid kéo dài.
- Thay đổi nội tiết do tuổi tác
- Do sử dụng thuốc tránh thai, thuốc nội tiết
- Các bệnh lý mạn tính như suy giảm miễn dịch, đái tháo đường,
- Chu kì kinh nguyệt: Máu kinh có tính chất kiềm. Khi sử dụng các sản phẩm như tampon hoặc cup, có thể làm tăng pH âm đạo tức thời, sau chu kì kinh, pH trở về bình thường
- Quan hệ tình dục không được bảo vệ do tinh dịch có tính kiềm
- Giảm lợi khuẩn lactobacillus
- Thụt rửa âm đạo hoặc dùng các dung dịch rửa âm đạo có tính chất sát trùng không được chỉ định làm phá hủy lượng lactobacilli sinh lý, thay đổi pH âm đạo , thúc đẩy nhiễm trùng nhiều hơn.
4. Phương pháp duy trì pH âm đạo về mức bình thường
- Vệ sinh phụ khoa hàng ngày đúng cách. Chỉ rửa phụ khoa bên ngoài vùng âm hộ, lau khô vùng âm hộ sau khi đi vệ sinh, không dùng vòi xịt rửa sau khi đi tiểu.
- Tránh ẩm ướt vùng sinh dục
- Thay băng vệ sinh 3-4h/ lần trong chu kì kinh nguyệt, không nên sử dụng tampon trong 1 thời gian quá dài, vệ sinh và thay cup 6h/ lần ( không nên để quá lâu trong âm đạo )
- Mặc quần thoáng, có tính thấm hút cao, không quá chật, bí,
- Nên sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục
- Sử dụng men vi sinh, tăng lợi khuẩn đường âm đạo
- Không thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định.
- Bổ sung thực phẩm, chế độ ăn lành mạnh: sữa chua là nguồn cung cấp dồi dào lợi khuẩn lactobacillus, ăn nhiều rau củ tươi, hoa quả, ngũ cốc, uống nhiều nước. Hạn chế các đồ cay, thịt đỏ, cải xanh, hành tây, cafe, đồ uống có gas, thức ăn nhiều dầu mỡ…Tuy nhiên tác động từ đồ ăn sẽ ảnh hưởng khi ăn liên tục kéo dài.
- Khi có dấu hiệu viêm nhiễm âm đạo (tiết dịch màu trắng xám, vàng, xanh bất thường, mùi hôi hoặc tanh, ngứa, đau rát khi quan hệ..) nên đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý sử dụng thuốc
Hiểu về pH âm đạo cũng như cách vệ sinh, chăm sóc đúng khoa học, lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý sẽ giúp phụ nữ tự tin, khỏe mạnh hơn trong cuộc sống, bảo vệ cơ thể khỏi những viêm nhiễm và các biến chứng liên quan. Duy trì những thói quen tốt để có một “ cô bé” khỏe mạnh.
Bs. Đặng Thị Thảo Ly | Bệnh viện Hồng Ngọc