Tầm soát và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) trong thai kỳ là điều thiết thực để phòng ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ bầu và bé, nếu chẳng may mẹ đang mắc phải các bệnh STIs. Tiếp cận với việc điều trị bệnh càng sớm, càng giúp tăng khả năng điều trị khỏi bệnh hoặc giúp kiểm soát tình trạng bệnh ổn định hơn, do đó làm giảm thiểu tác động của bệnh STIs đến thai nhi và trẻ nhỏ.
Lưu ý khi tầm soát STIs cho mẹ bầu
Khi đi thăm khám bác sĩ, mẹ bầu hãy mạnh dạn chia sẻ sự quan tâm về tầm soát các bệnh STIs trong thời gian mang thai. Điều quan trọng là hãy thành thật, cởi mở để nói cho bác sĩ về bất cứ triệu chứng nào mà bạn gặp phải và cả thói quen sinh hoạt tình dục có nguy cơ lây truyền STIs cho bạn trước đó. Qua thăm khám và đánh giá những yếu tố nguy cơ mà bạn đã chia sẻ, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm STIs khi cần thiết. Thậm chí khi bạn đã thực hiện sàng lọc và kiểm tra tình trạng bệnh STIs trước đây, bạn vẫn nên thực hiện lại xét nghiệm này khi đã mang thai.
Khuyến cáo tầm soát STIs cho mẹ bầu
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật tại Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra khuyến cáo về tầm soát một số bệnh STIs mà phụ nữ có thai nên kiểm tra. Khuyến cáo gồm các vấn đề mẹ bầu có thể tham khảo như sau:
Bệnh Chlamydia và bệnh lậu
- Đối tượng: Tất cả mẹ bầu dưới 25 tuổi và mẹ bầu có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
- Yếu tố nguy cơ:
- Có bạn tình mới hoặc đã có nhiều bạn tình
- Người ấy của bạn có quan hệ với nhiều bạn tình khác
- Người ấy của bạn có chẩn đoán đã mắc bệnh STIs
- Sống ở khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao
- Không dùng biện pháp phòng tránh an toàn khi quan hệ không lành mạnh
- Có lối sống trao đổi tình dục vì tiền và chất cấm.
- Thời điểm xét nghiệm: Thời điểm xét nghiệm nên thực hiện ở lần khám thai đầu tiên và xét nghiệm lại trong 3 tháng cuối thai kỳ.
- Phụ nữ có thai có chẩn đoán mắc bệnh Chlamydia cần được kiểm tra và thăm khám sau 3-4 tuần điều trị.
HPV
Theo CDC, không có khuyến cáo về tầm soát HPV trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu đang nghi ngờ bị nhiễm HPV có thể thực hiện các xét nghiệm huyết thanh để tìm ra kháng thể. Việc lấy mẫu sinh thiết bên trong tử cung để kiểm tra ung thư do HPV nên được xem xét thận trọng.
Herpes sinh dục
CDC không khuyến cáo xét nghiệm Herpes thường quy trong thăm khám thai định kỳ trừ khi có triệu chứng của bệnh.
HIV
- Đối tượng: Tất cả phụ nữ có thai nên được tầm soát HIV.
- Yếu tố nguy cơ:
- Có sử dụng các chất cấm dùng đường tiêm gần đây
- Mắc các bệnh STIs khác trong thời gian mang thai
- Quan hệ tình dục với nhiều đối tượng
- Sống ở khu vực có tỷ lệ mắc HIV cao hoặc người ấy nhiễm HIV.
- Thời điểm xét nghiệm: Mẹ bầu nên được tầm soát HIV ở lần khám thai đầu tiên và xét nghiệm lại trong 3 tháng cuối thai kỳ đối với mẹ bầu có nguy cơ cao (nhất là tuần thứ 28 – 32).
Tầm soát HIV để bảo vệ sự an toàn của cả mẹ và bé
Viêm gan B
- Đối tượng: Tất cả phụ nữ có thai nên được tầm soát viêm gan B.
- Yếu tố nguy cơ:
- Có quan hệ với nhiều hơn một bạn tình trong 6 tháng trước
- Đang nghi ngờ hoặc đang điều trị bệnh STIs
- Dùng chất cấm đường tiêm gần đây
- Người ấy của bạn mắc viêm gan B
- Thời điểm xét nghiệm: Mẹ bầu nên được tầm soát viêm gan B ở lần khám thai đầu tiên. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, thực hiện xét nghiệm cho mẹ bầu chưa từng được tầm soát viêm gan B trong thai kỳ, mẹ bầu có nguy cơ cao hoặc các mẹ bầu có dấu hiệu bệnh gan lúc nhập viện sinh nở.
Giang mai
- Đối tượng: Tất cả phụ nữ có thai nên được tầm soát giang mai.
- Yếu tố nguy cơ:
- Có quan hệ với nhiều hơn một bạn tình trong 6 tháng trước
- Đang nghi ngờ hoặc đang điều trị bệnh STIs
- Chưa được tầm soát giang mai trước đó hoặc có chẩn đoán giang mai ở 3 tháng đầu thai kỳ
- Sống ở khu vực có tỷ lệ mắc giang mai cao.
- Thời điểm xét nghiệm: Mẹ bầu nên được tầm soát giang mai ở lần khám thai đầu tiên và xét nghiệm lại trong 3 tháng cuối thai kỳ đối với mẹ bầu có nguy cơ cao.
- Lưu ý nên điều trị và xét nghiệm giang mai ở cả người bố để phòng tránh tái nhiễm.
Viêm âm đạo do ký sinh trùng Trichomonas vaginalis
CDC không khuyến cáo xét nghiệm ký sinh trùng Trichomonas vaginalis thường quy trong thăm khám thai định kỳ trừ khi có triệu chứng của bệnh.
Chia sẻ sự quan tâm về STIs đến bác sĩ thăm khám thai của bạn để được tư vấn tầm soát bệnh STIs hợp lý
Một trong những việc quan trọng trong giai đoạn chăm sóc sức khỏe trước thai kỳ là đảm bảo mẹ bầu được thăm khám và tầm soát các bệnh STIs. Một số bệnh STIs chính nên được xét nghiệm trong thai kỳ bao gồm bệnh Chlamydia, bệnh lậu, giang mai, HIV và viêm gan B. Thực hiện tầm soát và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục cho mẹ bầu nên được thực hiện sớm trong giai đoạn mang thai và nên được lặp lại, đặc biệt là gần ngày sinh nở.