Viêm âm đạo là dạng viêm nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng của niêm mạc âm đạo, đôi khi có kèm viêm âm hộ. Viêm âm đạo thường gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, thậm chí còn tiềm ẩn các biến chứng nguy hiểm. Việc phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ giúp ngăn chặn bệnh tiến triển phức tạp hơn.
1. Nguyên nhân gây viêm âm đạo
Một số nguyên nhân phổ biến có thể gây ra viêm âm đạo, bao gồm: viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm nấm âm đạo hoặc nhiễm trichomonas. Mỗi nguyên nhân sẽ có triệu chứng bệnh khác nhau.
Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo như:
- Những thay đổi nội tiết như liên quan đến thai kỳ, thuốc tránh thai hoặc mãn kinh
- Hoạt động tình dục
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục
- Các loại thuốc như kháng sinh và steroid
- Sử dụng các thuốc diệt tinh trùng để ngừa thai
- Bệnh tiểu đường không kiểm soát được
- Thụt rửa âm đạo
- Mặc quần áo ẩm ướt hoặc chật
- Sử dụng dụng cụ tử cung để ngừa thai.
2. Triệu chứng của viêm âm đạo
2.1 Viêm âm đạo do vi khuẩn
Khi bị viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Khí hư ra nhiều
- Khí hư màu trắng đục hoặc xám
- Vùng kín có mùi hôi tanh khó chịu
Các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn sau khi giao hợp, khi rụng trứng hoặc trong những ngày có kinh.
2.2 Nhiễm nấm men
Khi viêm âm đạo do nhiễm nấm men, triệu chứng chính thường xuất hiện:
- Đau rát, ngứa ngáy xung quanh âm hộ
- Chất dịch tiết ra có màu trắng, dày giống như phô mai hoặc
- Khí hư có dạng lỏng như nước hoặc đặc như mủ
- Khí hư màu trắng đục, lợn cợn thành từng mảng
- Đau khi đi tiểu, quan hệ tình dục.
2.3 Nhiễm trichomonas
Nhiễm trichomonas là một trong những bệnh lây qua đường tình dục thường gặp nhất và có kèm viêm âm đạo. Triệu chứng khi viêm âm đạo do nhiễm trichomonas:
- Dịch tiết có màu vàng xanh, đôi khi có bọt khí hư loãng, nhỏ li ti, có mùi hôi khó chịu
- Vùng kín ngứa ngáy, khó chịu như có cảm giác dị vật đang bò trong âm đạo.
- Đau đớn khi giao hợp.
- Cảm giác đau, nóng rát mỗi lần tiểu tiện.
3. Cách xử trí khi nghi ngờ viêm âm đạo
Ngay khi có biểu hiện viêm nhiễm phụ khoa, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Để chẩn đoán tình trạng “cô bé” của bạn, bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:
- Xem lại bệnh sử: Bác sĩ hỏi bạn về tiền sử nhiễm trùng âm đạo hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà bạn từng mắc.
- Tiến hành khám phụ khoa: Bác sĩ sử dụng một dụng cụ (mỏ vịt) để xem xét bên trong âm đạo, xem vùng kín của bạn có bị viêm và tiết dịch bất thường không. Bạn lưu ý là tránh sử dụng băng vệ sinh, quan hệ tình dục hoặc thụt rửa trước buổi khám để bác sĩ đánh giá dịch âm đạo một cách chính xác nhất.
- Thu thập mẫu để tiến hành xét nghiệm: Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ có thể thu thập một mẫu dịch tiết âm đạo hoặc cổ tử cung để làm xét nghiệm. Kết quả sẽ giúp xác định loại viêm âm đạo mà bạn mắc phải.
- Kiểm tra độ pH: Bác sĩ kiểm tra độ pH âm đạo bằng cách sử dụng que thử độ pH hoặc giấy đo độ pH ở khu vực thành âm đạo. Độ pH tăng cao cho thấy bạn có khả năng bị nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng roi trichomonas. Tuy nhiên, cần thêm các xét nghiệm khác trước khi bác sĩ đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Mặc dù viêm âm đạo là tình trạng phổ biến ở nữ giới, nhưng vẫn cần được thăm khám và điều trị nếu cần thiết. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng của bệnh nhân để tránh những biến chứng nặng hơn.
BS. Nông Hồng Hà