Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Bệnh có thể lây truyền ở cả nam và nữ nếu quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hoặc bằng miệng với người mắc bệnh. Mặc dù cùng một loại vi khuẩn gây bệnh nhưng những biểu hiện bệnh của bệnh Chlamydia ở nam giới và nữ giới sẽ khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Bệnh Chlamydia ở nữ giới
1.1 Triệu chứng lâm sàng
Đa số phụ nữ mắc bệnh Chlamydia không có triệu chứng rõ ràng. Khi vi khuẩn chlamydia lây nhiễm vào cổ tử cung, một số triệu chứng có thể xuất hiện như:
- Ngứa dữ dội ở vùng kín
- Đau rát khi đi vệ sinh
- Đau âm ỉ sau khi quan hệ tình dục.
- Chảy máu vùng kín khi nhiễm trùng lây lan từ cổ tử cung lên đến ống dẫn trứng
- Khí hư có màu sắc và mùi bất thường (dịch màu vàng nhạt hoặc trắng).
1.2 Hậu quả
Nếu không được can thiệp và điều trị sớm, bệnh Chlamydia có thể gây tổn thương nghiêm trọng và vĩnh viễn tới cơ quan sinh sản của nữ giới, bao gồm nhiễm trùng đến cổ tử cung, tử cung và vòi trứng, tăng nguy cơ hiếm muộn – vô sinh. Ngoải ra, Chlamydia còn có thể gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm.
2. Bệnh Chlamydia ở nam giới
2.1 Triệu chứng lâm sàng
Giống như phụ nữ, nhiều nam giới bị nhiễm Chlamydia không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Chủ yếu là:
- Có dịch trắng đục, mùi hôi khai tiết ra từ lỗ sáo dương vật, thường thấy vào buổi sáng
- Rối loạn xuất tinh, tinh dịch ít, loãng hoặc có kèm theo máu bất thường
- Tình trạng nóng rát và ngứa lan rộng ở đầu dương vật
2.2 Hậu quả
Biến chứng chủ yếu do nhiễm Chlamydia ở nam giới là viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn, từ đó có thể gây vô sinh. Một số nghiên cứu đang xem xét ảnh hưởng của Chlamydia lên chất lượng tinh trùng ở nam giới.
3. Biện pháp phòng bệnh Chlamydia ở cả nam và nữ
Chlamydia là bệnh có thể chữa khỏi, tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan. Một số phương pháp phòng ngừa bệnh Chlamydia cụ thể:
- Sử dụng bao cao su đúng cách
- Không quan hệ tình dục bừa bãi, duy trì mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài từ hai phía.
- Lựa chọn bạn tình an toàn, đồng thời thống nhất với bạn tình về việc sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ.
- Không quan hệ tình dục trong thời kỳ nhiễm bệnh, thậm chí cả khi đang điều trị bệnh.
- Điều trị cho bạn tình để hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tái phát
- Kiểm tra và xét nghiệm định kỳ cho bản thân và bạn tình.
- Tầm soát Chlamydia ít nhất mỗi năm một lần đối với tất cả các phụ nữ ở tuổi sinh hoạt tình dục dưới 25 tuổi hoặc những phụ nữ lớn tuổi hơn có các yếu tố nguy cơ nhiễm Chlamydia
- Sàng lọc bệnh Chlamydia đối với tất cả thai phụ để hạn chế khả năng lây truyền bệnh cho trẻ.
Bệnh Chlamydia diễn tiến âm thầm và phức tạp, nếu không sớm điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng “khôn lường” cho cả nam và nữ. Chính vì vậy, cần nhận biết sớm các nguyên nhân, triệu chứng và có cách phòng ngừa bệnh hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
BS. Đồng Thế Uy | Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương