Bệnh Chlamydia có chữa khỏi được không? - Tình Dục Thông Thái

Bệnh Chlamydia có chữa khỏi được không?

Chlamydia là một trong những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Theo một thống kê tại cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ nhiễm Chlamydia dao động từ 18% đến 32,5% và có khả năng lây nhiễm ở cả nam và nữ. Hiện tại, có rất nhiều phương pháp để điều trị Chlamydia, nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho cơ quan sinh sản của nữ giới.

1. Biến chứng của Chlamydia nếu không được điều trị

Chlamydia được biết đến với cái tên vi khuẩn “thầm lặng” vì hầu hết những người nhiễm bệnh đều không có triệu chứng. Thậm chí, nếu chỉ kiểm tra bằng các xét nghiệm thông thường  cũng khó phát hiện được bệnh.

Thời gian ủ bệnh của Chlamydia dao động trong khoảng từ 7-21 ngày, vì vậy nếu như bạn có phát sinh quan hệ với người đã bị nhiễm bệnh thì cũng khó có thể phát hiện được ngay lập tức. Tuy nhiên, dù có hay không có triệu chứng thì Chlamydia vẫn có thể gây tổn thương đến cơ quan sinh dục và sức khỏe. của cả nam và nữ.

1.1 Biến chứng ở nam giới

Biểu hiện chủ yếu của Chlamydia ở nam giới là viêm niệu đạo với các triệu chứng điển hình như tiểu khó, tiểu buốt, đau khi đi tiểu hay tiểu nhiều lần. Đặc biệt là dịch niệu đạo có màu trắng đục hoặc trong. 

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp những biến chứng khác như: 

  • Viêm tinh hoàn/ mào tinh hoàn: thường sưng, đau một bên bìu hoặc sốt.. 
  • Viêm trực tràng (nhất là trong các trường hợp quan hệ đồng giới nam) thường biểu hiện từ không triệu chứng đến đau trực tràng, chảy máu, tiêu chảy,… 
  • Viêm họng do Chlamydia: lây lan qua quan hệ tình dục đường miệng. Các triệu chứng của viêm họng do Chlamydia thường kín đáo, dễ gây nhầm lẫn với các nguyên nhân khác.
Biểu hiện Chlamydia ở nam giới khá rõ ràng
Biểu hiện Chlamydia ở nam giới khá rõ ràng

Khác với Herpes, người mắc bệnh Chlamydia thường không có biểu hiện tại các cơ quan lân cận như sung đau hạch bẹn, điểm đau trong niệu đạo, các tổn thương ở miệng sáo hay dương vật.

1.2 Biến chứng ở nữ giới

Đa số bệnh nhân nữ không có biểu hiện hay triệu chứng. Chỉ có khoảng 1/3 số người nhiễm có các biểu hiện tại chỗ như tiết dịch nhầy mủ tại âm đạo, viêm lộ tuyến gây phù nề, xung huyết, dễ chảy máu…

Dù không có biểu hiện lâm sàng nhưng bệnh nhân nữ vẫn có thể phát hiện sàng lọc thông qua bạn tình của họ có triệu chứng của viêm niệu đạo. Ngoài ra, một số ít bệnh nhân nữ có cũng các triệu chứng như tiểu khó, tiểu rắt, chảy mủ niệu đạo.

Việc không điều trị hoặc điều trị không đúng cách Chlamydia ở phụ nữ thường gây hậu quả nghiêm trọng hơn ở nam giới. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ:

  • Viêm nội mạc tử cung
  • Viêm vòi trứng 
  • Dễ gây vô sinh 
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis gây viêm quanh gan.

Đặc biệt ở phụ nữ đang mang thai, Chlamydia thường liên quan đến việc sinh non hoặc các bệnh về mắt (viêm kết mạc) và viêm phổi ở trẻ sơ sinh.

2. Bệnh Chlamydia có chữa khỏi được không?

Chlamydia hoàn toàn có thể được chữa khỏi một cách dễ dàng bằng thuốc kháng sinh nếu được phát hiện kịp thời và điều trị theo đúng phác đồ, kể cả với những người có nhiễm HIV. Tuy nhiên có một số lưu ý quan trọng trong việc điều trị:

  • Kiêng sinh hoạt tình dục trong thời gian điều trị bệnh ít nhất là 7 ngày từ ngày đầu tiên uống thuốc hoặc cho đến khi được các bác sĩ thông báo đã khỏi bệnh, để tránh việc lây nhiễm cho bạn tình. 
  • Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, nếu có dấu hiệu bất thường của việc uống thuốc cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để đổi thuốc hoặc tái khám nếu cần thiết. Tránh trường hợp tự ý ngưng sử dụng thuốc. 
  • Không sử dụng chung toa thuốc với bệnh nhân khác vì toa thuốc điều trị sẽ được các bác sĩ cá thể hóa với đặc điểm bệnh của từng người
  • Tầm soát thường xuyên và đi khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng. Nên nhớ mặc dù thuốc sẽ điều trị hết nhiễm khuẩn tuy nhiên chúng không đóng vai trò trong việc sửa chữa bất kỳ tổn thương vĩnh viễn nào do bệnh gây ra.
Chlamydia có thể chữa khỏi nếu người bệnh tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ

3. Phòng ngừa bệnh Chlamydia 

Những đối tượng cần phải lưu ý về Chlamydia bao gồm:. 

  • Người mẹ nhiễm Chlamydia cũng có thể lây sang con do mẹ bị viêm vùng kín nhưng không điều trị hoặc điều trị không đúng cách.
  • Những người đã từng bị nhiễm và đã được điều trị khỏi Chlamydia hoàn toàn có thể tái nhiễm nếu họ tiếp tục có hoạt động tình dục đối với bạn tình bị nhiễm Chlamydia.
  • Những người trẻ có hoạt động tình dục thường là đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm Chlamydia do sự kết hợp của các yếu tố hành vi, sinh học và cả văn hóa. Đặc biệt do sự thiếu kiến thức về tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp bảo vệ không đúng cách hoặc quan hệ tình dục với nhiều bạn tình. 
  • Những năm gần đây ghi nhận một tỉ lệ lớn nam giới bị mắc Chlamydia do việc quan hệ đồng giới vì Chlamydia hoàn toàn có thể lây truyền thông qua đường miệng hoặc hậu môn.

Vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng tránh Chlamydia chính là nâng cao nhận thức của bản thân. Song song với nó là việc hôn nhân chung thủy 1 vợ, 1 chồng và có nhận thức tốt về việc sử dụng các phương tiện phòng tránh đặc biệt là việc sử dụng bao cao su.

Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ mang lại một kết quả tốt trong việc điều trị Chlamydia. Vì vậy bạn nên đến thăm khám định kỳ hoặc khi có triệu chứng bất thường tại các Bệnh viện, cơ sở có uy tín để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản sau này.

BS. Vũ Thái Hoàng | Bệnh viện 175

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến