Dịch âm đạo nói lên điều gì về sức khỏe cô bé - Tình Dục Thông Thái

Dịch âm đạo nói lên điều gì về sức khỏe cô bé

Dịch âm đạo có thể là hiện tượng bình thường của cơ thể nhưng đôi khi cũng là triệu chứng của bệnh lý. Chú ý quan sát màu sắc và chu kỳ tiết dịch, bạn có thể chẩn đoán sớm được một số bệnh phụ khoa phổ biến thông qua dịch âm đạo. Hãy cùng Tình dục thông thái tìm hiểu về dịch âm đạo nhé!

1. Dịch âm đạo là gì?

Dịch âm đạo hay còn gọi là khí hư, là chất nhầy trắng trong ở vùng kín. Chất dịch này giữ chức năng vệ sinh quan trọng cho hệ sinh dục nữ. Chất lỏng này được tạo ra bởi các tuyến bên trong âm đạo và cổ tử cung, mang đi các tế bào chết và vi khuẩn giúp giữ âm đạo sạch sẽ và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Lượng dịch âm đạo tiết ra là không giống nhau ở những người phụ nữ khác nhau. Màu dịch âm đạo, độ đặc và lượng dịch cũng thay đổi từng ngày, tùy thuộc vào thời gian trong chu kỳ kinh nguyệt:

  • Ngày 1-5: Vào đầu chu kỳ, dịch âm đạo thường sẽ có máu hoặc có màu đỏ, vì cơ thể làm bong lớp niêm mạc tử cung
  • Ngày 6-14: Sau một thời gian, dịch sẽ tiết ít hơn bình thường. Khi trứng bắt đầu phát triển và trưởng thành, chất nhầy cổ tử cung sẽ trở nên đục và có máu trắng hoặc vàng, đôi lúc mang lại cảm giác dính.
  • Ngày 14-25: Vài ngày trước khi rụng trứng, chất nhầy sẽ trở nên giống lòng trắng trứng gà, có thể kéo giãn thành sợi. Sau khi rụng trứng, chất nhầy sẽ trở lại màu đục, trắng hoặc vàng.
  • Ngày 25-28: Dịch nhầy thông thường sẽ trở nên loãng hơn.
Màu dịch âm đạo, độ đặc và lượng dịch thay đổi tùy thuộc vào thời gian của chu kỳ kinh nguyệt
Màu dịch âm đạo, độ đặc và lượng dịch thay đổi tùy thuộc vào thời gian của chu kỳ kinh nguyệt

2. Màu sắc dịch âm đạo tiết lộ điều gì?

2.1. Màu nâu hoặc đỏ máu

Dịch âm đạo màu nâu hoặc màu đỏ máu thường xảy ra trong hoặc ngay sau chu kỳ kinh nguyệt. Vào cuối chu kỳ kinh nguyệt, dịch nhầy có thể có màu nâu thay vì màu đỏ. Bạn cũng có thể sẽ thấy các đốm máu giữa các thời kỳ.

Nếu đốm máu xuất hiện trong thời gian bình thường của kỳ kinh và gần đây bạn đã quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, đó có thể là dấu hiệu mang thai.

Trong một số ít trường hợp, dịch tiết màu nâu hoặc máu có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung, cổ tử cung, u xơ hoặc sự tăng trưởng bất thường khác, vì thế bạn nên đến gặp bác sĩ phụ khoa và xét nghiệm Pap smear hàng năm.

Dịch âm đạo màu nâu hoặc màu đỏ máu thường xảy ra trong hoặc ngay sau chu kỳ kinh nguyệt.
Dịch âm đạo màu nâu hoặc màu đỏ máu thường xảy ra trong hoặc ngay sau chu kỳ kinh nguyệt.

2.2. Màu trắng

Trước kỳ kinh nguyệt, dịch nhầy thường có màu trắng, kem hoặc vàng nhạt, đặc biệt là vào đầu hoặc cuối chu kỳ kinh nguyệt là bình thường. Tuy nhiên, nếu chất nhầy có độ đặc hoặc bề ngoài giống như phô mai, mùi nồng cùng các dấu hiệu ngứa, kích ứng, đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng nấm men. 

2.3. Màu vàng hoặc xanh lục

Dịch nhầy có màu vàng nhẹ thường không quá đáng ngại. Tuy nhiên, nếu dịch có màu vàng sẫm hoặc xanh lục thì bạn cần chú ý, vì có thể đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng âm đạo hoặc mắc bệnh lây qua đường tình dục. Bạn nên gặp bác sĩ kịp thời nếu dịch âm đạo ra nhiều bất thường, dịch tiết âm đạo dày, vón cục hoặc có mùi hôi.

Dịch âm đạo có màu vàng sẫm hoặc xanh lục có thể là dấu hiệu nhiễm trùng âm đạo
Dịch âm đạo có màu vàng sẫm hoặc xanh lục có thể là dấu hiệu nhiễm trùng

2.4. Dịch âm đạo màu hồng

Nếu dịch âm đạo có màu hồng nhạt đến đậm xuất hiện vài ngày sau khi kinh nguyệt, không có triệu chứng bất thường nào đi kèm, đây là dấu hiệu bình thường vì điều này có thể do máu kinh nguyệt còn sót lại.

2.5. Dịch âm đạo trong suốt

Dịch tiết âm đạo bình thường sẽ có màu trong hoặc màu trắng, chất trơn hoặc có độ đặc của lòng trắng trứng. Dịch tiết có thể nhiều hơn trước khi rụng trứng, kích thích tình dục và trong khi mang thai.

2.6. Dịch âm đạo có màu xám

Dịch tiết âm đạo màu xám thường là dấu hiệu không tốt, điều này có thể là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, được gọi là nhiễm khuẩn âm đạo. Nhiễm khuẩn âm đạo thường gây ra các triệu chứng vùng kín bao gồm:

  • Ngứa
  • Kích ứng
  • Mùi nồng
  • Đỏ vùng xung quanh âm hộ hoặc âm đạo

Nếu bạn gặp tình trạng dịch tiết màu xám, bạn nên đến bác sĩ sớm để được kê đơn thuốc điều trị.

3. Nguyên nhân gây tiết dịch âm đạo bất thường

3.1. Vi khuẩn

Nhiễm khuẩn âm đạo là một bệnh nhiễm trùng khá phổ biến, khiến dịch tiết âm đạo ra nhiều, có mùi nồng, hôi và đôi khi có mùi tanh. Phụ nữ quan hệ tình dục bằng miệng hoặc có nhiều bạn tình có nguy cơ cao mắc bệnh này.

3.2. Trichomonas

Trichomonas là một loại nhiễm trùng gây ra bởi một động vật nguyên sinh hoặc đơn bào. Tình trạng nhiễm trùng thường lây lan qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc với khăn hoặc áo tắm. Điều này sẽ dẫn đến dịch tiết âm đạo màu vàng hoặc màu xanh lá và có mùi hôi. Những triệu chứng phổ biến của trichomonas bao gồm đau, viêm và ngứa.

Trichomonas lây lan qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc với khăn hoặc áo tắm.
Trichomonas lây lan qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc với khăn hoặc áo tắm.

3.3. Nhiễm trùng nấm men

Nhiễm trùng nấm men là một bệnh nhiễm nấm tạo ra chất dịch màu trắng giống như phô mai đi kèm cảm giác nóng rát và ngứa. Sự hiện diện của nấm men trong âm đạo là bình thường, nhưng sự tăng trưởng vượt quá tầm kiểm soát có thể gây nên một số vấn đề khó chịu. Các yếu tố có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng nấm men:

  • Mang thai
  • Căng thẳng
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Sử dụng thuốc tránh thai
  • Sử dụng kháng sinh, đặc biệt kéo dài hơn 10 ngày

3.4. Bệnh lậu và bệnh chlamydia

Bệnh lậu và bệnh chlamydia là những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) có thể tạo ra dịch nhầy bất thường, màu vàng, xanh lục hoặc nhiều đốm trắng.

3.5. Bệnh viêm vùng chậu

Bệnh viêm vùng chậu (PID) là một bệnh nhiễm trùng mà bệnh thường lây lan qua quan hệ tình dục xảy ra khi vi khuẩn lây lan lên âm đạo và vào các cơ quan sinh sản khác. Tình trạng này có thể khiến dịch âm đạo đặc, có mùi hôi.

3.6. Nhiễm trùng HPV sinh dục

Nhiễm trùng papillomavirus ở người (HPV) lây lan qua quan hệ tình dục có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Loại ung thư này có thể tạo ra chất dịch có máu, màu nâu hoặc chảy nước với mùi khó chịu. Ung thư cổ tử cung có thể dễ dàng được kiểm tra bằng xét nghiệm Pap smear hàng năm và xét nghiệm HPV.

Nếu bạn gặp phải tình trạng dịch âm đạo bất thường cùng các triệu chứng như sốt, đau bụng, giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, đi tiểu nhiều, bạn hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị.

4. Xử lý các vấn đề về dịch âm đạo

Khi bạn gặp bác sĩ để kiểm tra về tình trạng tiết dịch âm đạo bất thường, bạn sẽ được kiểm tra thể chất, bao gồm khám phụ khoa. Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về các triệu chứng, chu kỳ kinh nguyệt và hoạt động tình dục. Trong nhiều trường hợp, tình trạng nhiễm trùng có thể được phát hiện bằng khám lâm sàng hoặc vùng khung chậu.

Bạn có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Bác sĩ sẽ lấy mẫu vùng cổ tử cung để kiểm tra virus HPV hoặc ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, dịch âm đạo cũng được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân truyền nhiễm. Sau khi chẩn đoán được nguyên nhân gây ra tình trạng bất thường, bạn sẽ được tư vấn các lựa chọn điều trị phù hợp.

Nếu có dấu hiệu bất thường, bạn cần phải đi khám ngay
Nếu có dấu hiệu bất thường, bạn cần phải đi khám ngay

Quá trình điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, nhiễm trùng nấm men thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm được đưa vào âm đạo dưới dạng kem hoặc gel. Nhiễm khuẩn âm đạo được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc dạng kem. Trichomonas thường được điều trị bằng thuốc metronidazole hoặc tinidazole.

5. Phòng ngừa nhiễm trùng âm đạo

Một số mẹo giúp bạn ngăn ngừa nhiễm trùng âm đạo có thể dẫn đến dịch tiết bất thường:

  • Vệ sinh sạch sẽ sau khi quan hệ
  • Mặc quần lót 100% cotton và tránh quần áo quá chật
  • Tránh sử dụng sản phẩm vệ sinh có mùi hương hoặc thụt rửa quá nhiều
  • Giữ cho âm đạo sạch sẽ bằng cách vệ sinh thường xuyên bằng xà phòng nhẹ và nước ấm
  • Sau khi đi vệ sinh, luôn luôn lau từ trước ra sau để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo và gây nhiễm trùng

Ở hầu hết phụ nữ, tình trạng nhiễm trùng hoặc mất cân bằng nội tiết tố là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi bất thường trong dịch tiết âm đạo. Vì thế, bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy những thay đổi bất thường trong dịch âm đạo hoặc các triệu chứng khác để kịp thời điều trị nhé.

Bs. Nguyễn Thị Kiều Phương | Bệnh viện Hồng Ngọc

 

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến