Tìm hiểu về con đường lây truyền bệnh lậu - Tình Dục Thông Thái

Tìm hiểu về con đường lây truyền bệnh lậu

Bệnh lậu là một trong những bệnh lý phổ biến lây truyền qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn lậu.  Vi khuẩn này có thể thâm nhập vào niêm mạc của nhiều cơ quan khác nhau như niệu đạo, cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, miệng, hầu họng, mắt, trực tràng. Hiểu biết về các con đường lây truyền bệnh lậu giúp việc phòng ngừa dễ dàng và hiệu quả hơn. 

1. Con đường lây truyền bệnh lậu

1.1 Qua đường tình dục

Vi khuẩn lậu có thể lây truyền khi tiếp xúc với dương vật, âm đạo, miệng, hay hậu môn của người bạn tình bị nhiễm bệnh.

Nhiều nam giới có thể mắc bệnh lậu mà không biểu hiện triệu chứng nào [2, 3]. Tuy nhiên, khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân có thể có các biểu hiện như:

  • Viêm niệu đạo: tiểu rát, tiểu khó và dấu hiệu khá điển hình là chảy mủ đầu miệng sáo thì đa phần đã nhiễm lậu từ 1-14 ngày [4]. 
  • Đau tức tinh hoàn hay đau vùng bìu: biểu hiện này xảy ra đối với một số trường hợp vi khuẩn lậu xâm nhập theo ống dẫn tinh đến mào tinh, gây tình trạng viêm mào tinh
Vi khuẩn lậu chủ yếu lây truyền qua đường tình dục
Vi khuẩn lậu chủ yếu lây truyền qua đường tình dục

Hầu hết nhiễm lậu ở phụ nữ là không triệu chứng [5, 6]. Kể cả khi có triệu chứng thì đa phần thường nhẹ và không đặc hiệu. Điều này khiến việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn và dễ gây nhầm lẫn thành viêm bàng quang hay viêm âm đạo [7, 8]. Một số triệu chứng ban đầu có thể gặp ở phụ nữ như: tiểu khó, khí hư nhiều, xuất huyết âm đạo giữa hai kì kinh. Phụ nữ mắc bệnh lậu có nguy cơ cao gây viêm, xơ sẹo ống dẫn trứng, từ đó có thể gây vô sinh hay thai ngoài tử cung.

Một số ít trường hợp bệnh nhân nhiễm lậu hậu môn có thể có các biểu hiện như: ngứa, đau, tiết dịch, hay chảy máu vùng hậu môn [9]

1.2 Từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở

Đối với những người mẹ nhiễm bệnh lậu, vi khuẩn có thể lây nhiễm cho bé trong quá trình chuyển dạ. Trẻ sinh ra có khả năng cao bị mù, nhiễm trùng khớp, hoặc các tình trạng đe doạ tính mạng bé như nhiễm khuẩn máu [14]. 

1.3 Những con đường khác

  • Lây truyền qua đường máu
  • Lây truyền qua sử dụng vật trung gian như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, khăn tắm, khăn mặt…
Sử dụng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, khăn tắm, khăn mặt cũng có thể lây nhiễm lậu
Sử dụng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, khăn tắm, khăn mặt cũng có thể lây nhiễm lậu

2. Tầm soát bệnh lậu

Bất cứ khi có những bất thường như tiết dịch hay mủ niệu đạo, đau rát hoặc có quan hệ tình dục (đường miệng, hậu môn, âm đạo) với người đã được chẩn đoán nhiễm bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để khám ngay.

Đối với phụ nữ < 25 tuổi thường xuyên có động tình dục hoặc những người phụ nữ lớn tuổi có kèm các yếu tố nguy cơ như có nhiều bạn tình, bạn tình nhiễm các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục nên tầm soát ít nhất mỗi năm một lần. [15]

Ngoái ra, người mắc bệnh lậu cũng nên tầm soát thêm các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khác như: Chlamydia, HIV, giang mai,…

3. Các biện pháp ngăn ngừa mắc bệnh lậu?

  • Sử dụng bao cao su đúng cách và thường xuyên là biện pháp đơn giản, hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh lậu cũng như các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
  • Hôn nhân chung thủy 1 vợ, 1 chồng
Sử dụng bao cao su là biện pháp tốt nhất ngăn ngừa bệnh lậu
Sử dụng bao cao su là biện pháp tốt nhất ngăn ngừa bệnh lậu

Tìm hiểu về các con đường lây truyền bệnh lậu giúp bạn có thể chủ động phòng bệnh cho chính mình và bạn tình. Bạn cũng nên đến thăm khám định kỳ hoặc khi có triệu chứng bất thường tại các Bệnh viện, cơ sở có uy tín để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản sau này.

Ths. Bs. Trần Lê Duy Anh |  Bệnh viện 115

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến