[Hỏi đáp bác sĩ] Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm không? - Tình Dục Thông Thái

[Hỏi đáp bác sĩ] Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm không?

“Hẹp bao quy đầu là gì?”, “Vì sao bị hẹp bao quy đầu?”,  “Làm cách nào để trị hẹp bao quy đầu?”… Có muôn vàn thắc mắc về hội chứng hẹp bao quy đầu được cánh nam giới vô cùng quan tâm hiện nay. Sau đây, hãy cùng Tình dục thông thái giải đáp các thắc mắc về hội chứng này nhé!

1. Tình trạng hẹp bao quy đầu ở nam giới

Thông thường, quy đầu của dương vật nam giới được che phủ bởi một lớp da gọi là bao quy đầu. 

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, phần lớn các trường hợp không thể tuột hoàn toàn bao quy đầu xuống dưới vành do hiện tượng hẹp sinh lý. Ở lứa tuổi thanh niên và tuổi trưởng thành, trong phần lớn các trường hợp, da bao quy đầu có thể tuột xuống dưới vành quy đầu một cách dễ dàng mà không gây nên bất cứ đau tức khó chịu gì. 

Chính vì đặc điểm trên, mặc dù hẹp bao quy đầu có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào tuy nhiên tỉ lệ mắc giảm dần theo tuổi, xuống dưới 1% sau 17 tuổi.

Hẹp bao quy đầu là hiện tượng phần bao quy đầu không tuột khỏi phần quy đầu
Hẹp bao quy đầu là hiện tượng phần bao quy đầu không tuột khỏi phần quy đầu

2. Nguyên nhân dẫn đến hẹp bao quy đầu

Hiện tượng hẹp sinh lý ở trẻ em rất thường gặp. Tỉ lệ tuột được bao quy đầu xuống dưới vành chỉ khoảng 4% ở trẻ sơ sinh, 20% ở trẻ 6 tháng tuổi, khoảng 50% ở trẻ 1 tuổi và khoảng 90% ở trẻ trên 3 tuổi. 

Thông thường khi mới sinh, da bao quy đầu dính liền với quy đầu của dương vật. Cùng với sự phát triển của trẻ, quá trình sừng hóa lớp dưới da bao quy đầu diễn ra, khiến cho lớp da này dần tách khỏi quy đầu và có thể tuột ra được. Tuy nhiên, việc cố hết sức để tuột bao quy đầu của trẻ có thể dẫn đến các vết rách hoặc viêm nhỏ có thể dẫn tới hẹp về sau.

Ở tuổi trưởng thành, đa phần các trường hợp hẹp bao quy đầu là hẹp thứ phát sau một quá trình viêm nhiễm mạn tính kéo dài. Khi bao quy đầu không được lộn rửa vệ sinh sạch sẽ, các tế bào chết, cặn nước tiểu và dịch sinh dục tích tụ ở xung quanh vành quy đầu. Điều này dẫn đến phản ứng viêm, phù nề và xơ hóa dần da bao quy đầu. Hậu quả cuối cùng là hình thành các dải xơ làm giảm sự đàn hồi của bao quy đầu dẫn đến hẹp.

Một số bệnh lý da liễu như chàm, vảy nến, lichen cũng có thể dẫn đến viêm xơ mạn tính bao quy đầu, từ đó tiếp tục dẫn đến hẹp thứ phát.

3. Hậu quả khôn lường của hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu có thể dẫn đến một số hậu quả như viêm quy đầu - bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu có thể dẫn đến một số hậu quả như viêm quy đầu – bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu có thể dẫn đến một số hậu quả như viêm quy đầu – bao quy đầu, bán hẹp bao quy đầu, rối loạn tiểu tiện và ung thư dương vật. Biểu hiện lâm sàng của các biến chứng này thường rất đa dạng, bệnh nhân có thể đến khám vì thấy da vùng bao quy đầu tấy đỏ, sưng, ngứa, đau khi đi tiểu, đau khi cương, tiết dịch mủ bất thường hoặc đau khi quan hệ.

Khi không thể rửa và vệ sinh sạch, cặn sinh dục tích tụ lâu ngày là nguyên nhân khiến nhiễm khuẩn mạn tính, dẫn đến dính chặt phần da mặt trong của bao vào quy đầu. Đối với những trường hợp này, rất khó để tạo hình trong quá trình cắt bao quy đầu dẫn đến sẹo xấu trên quy đầu và dương vật, cũng như ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau.

Bán hẹp bao quy đầu là hiện tượng xảy ra khi bao quy đầu tuột xuống mà không kéo ngược lại được dẫn đến phù nề, sưng to vùng bao quy đầu. Kèm theo đó, hiện tượng thắt nghẹt này dẫn đến giảm tưới máu ở quy đầu gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Những trường hợp này cần đến ngay các cơ sở y tế có kinh nghiệm để được đánh giá và điều trị kịp thời.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hẹp bao quy đầu là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dương vật. Điều này được giải thích là do không thể quan sát và vệ sinh được vùng quy đầu dẫn đến khó phát hiện sớm các tổn thương bất thường để kịp can thiệp. Bệnh nhân chỉ đi khám khi khối u phát triển mạnh và bắt đầu xâm lấn dương vật dẫn đến đau tức đầu dương vật và tiểu khó do đường tiểu bị chèn ép.

4. Điều trị hẹp bao quy đầu 

4.1 Thuốc bôi ngoài da chứa hoạt chất corticoid

Đối với những trường hợp hẹp sinh lý ở trẻ nhỏ thường không có chỉ định phải cắt. Một số thuốc bôi ngoài da chứa hoạt chất corticoid có thể được sử dụng để làm dãn da vùng bao quy đầu giúp bố mẹ dễ lộn rửa cho con. Cần lưu ý rằng việc sử dụng các thuốc này cần tuân thủ sự hướng dẫn và giám sát của nhân viên y tế, không được tự ý sử dụng để tránh tác dụng không mong muốn.

4.2 Cắt bao quy đầu

Cắt bao quy đầu là một phương pháp phổ biến để tránh các biến chứng của hẹp bao quy đầu
Cắt bao quy đầu là một phương pháp phổ biến để tránh các biến chứng của hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu thứ phát ở người lớn có chỉ định bắt buộc phải cắt để tránh các biến chứng nguy hiểm về sau. Mặc dù ngày nay có rất nhiều phương pháp được quảng cáo trên mạng xã hội như cắt đốt laser hoặc sử dụng máy cắt, tuy nhiên nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn một cách kĩ càng về những ưu nhược điểm của từng phương pháp trước khi đi đến quyết định.

Tóm lại, hẹp bao quy đầu có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào và bất cứ thời điểm nào. Nếu bao quy đầu của bạn chưa hẹp, hãy tiếp tục duy trì thói quen rửa vệ sinh sạch sẽ bao quy đầu để tránh viêm nhiễm vùng da nhạy cảm này. Trong trường hợp bao quy đầu hẹp, kém đàn hồi cần đến các cơ sở uy tín để được khám và tư vấn phương pháp can thiệp hiệu quả.  

BS Phạm Minh Quân

 

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến