Sự cân bằng pH âm đạo rất quan trọng, nó góp phần phòng chống những bệnh lý lây lan qua đường tình dục. Vậy thế nào là cân bằng pH âm đạo và làm cách nào để thực hiện điều này? Mời bạn cùng Tình dục thông thái tìm hiểu sâu hơn trong bài viết dưới đây nhé.
1. pH âm đạo giúp phòng chống bệnh tình dục như thế nào?
1.1 Độ pH âm đạo và các thành phần cấu tạo nên môi trường âm đạo
Độ pH là phép đo mức độ axit hoặc kiềm của một chất. Thang đo từ 0 đến 14. Độ pH nhỏ hơn 7 được coi là có tính axit và độ pH lớn hơn 7 là có tính kiềm.
Độ pH âm đạo là độ pH trong môi trường âm đạo, bình thường là 3.8 đến 4.5, như vậy độ pH âm đạo có tính axit, tuy nhiên ý nghĩa “bình thường” còn tùy thuộc vào tuổi, chu kỳ kinh nguyệt, trước khi có kinh và sau khi mãn kinh.
Âm đạo là ống cơ trơn nối âm hộ đến tử cung gồm có niêm mạc, cơ, mạch máu, thần kinh. Niêm mạc âm đạo được xếp nếp, co giãn và nhạy cảm với nội tiết tố nữ estrogen.
Cộng đoàn vi sinh vật ở phụ nữ tuổi sinh sản gồm có vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí sống cộng sinh với nhau trong môi trường âm đạo, không gây bệnh nếu tạo nên một thế tương quan cân bằng với độ pH từ 3.8 đến 4.5.
1.2 Cách hoạt động của môi trường âm đạo
Trong mối tương quan này, âm đạo cung cấp dưỡng chất cho vi sinh vật, đảm bảo sự phát triển của cộng đoàn vi sinh vật. Ngược lại, cộng đoàn vi sinh vật đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bảo vệ bằng cách ngăn ngừa sự trú đóng của các vi khuẩn gây bệnh ở âm đạo.
Trong môi trường âm đạo, loài Lactobacillus phát triển chiếm đến 80% của cộng đoàn vi sinh vật, sản sinh ra axit lactic góp phần tạo axit âm đạo, và có liên quan đến nội tiết estrogen. Lactobacillus đóng vai trò chính yếu cho sự duy trì thăng bằng pH âm đạo từ 3.8 đến 4.5 để bảo vệ âm đạo khỏi tác nhân gây bệnh.
Axit lactic còn kích hoạt hệ thống miễn dịch tại chỗ của âm đạo chống lại các vi khuẩn bằng cách sản sinh ra loại protein có tính diệt khuẩn, tấn công vào màng tế bào của vi khuẩn lạ.
Tóm lại pH âm đạo có vai trò gián tiếp góp phần trong việc phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
2. pH âm đạo mất cân bằng gây tổn hại gì?
Độ pH âm đạo cao trên 4.5 – cung cấp môi trường thuận lợi cho nấm và vi khuẩn gây bệnh phát triển.
- Viêm âm đạo là tình trạng phát triển quá mức của vi khuẩn gây ra có mùi tanh cá, cùng với dịch tiết âm đạo màu xám, trắng hoặc vàng bất thường. Nó cũng có thể dẫn đến ngứa âm đạo và nóng rát khi đi tiểu, phụ nữ mắc bệnh này có nguy cơ gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng nghiêm trọng hơn như Papilloma virus ở người (HPV), virus herpes simplex và HIV.
- Nhiễm khuẩn Trichomonas là bệnh lây truyền qua đường tình dục do ký sinh trùng Trichomonas Vagis gây ra.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng sống khoẻ, thuận lợi cho việc thụ tinh, độ pH tối ưu để chúng bơi là từ 7.0 đến 8.5. Khi quan hệ tình dục, độ pH bên trong âm đạo tạm thời tăng lên, vì có tinh dịch làm cho môi trường axit trong âm đạo có tính kiềm hơn để bảo vệ tinh trùng đi đến trứng. Nhưng nếu độ axit tăng quá nhiều, nó có thể làm giảm khả năng sinh sản do tiêu diệt bớt số lượng tinh trùng.
3. Nguyên nhân gây ra mất cân bằng pH âm đạo là gì?
- Thói quen hoạt động tình dục không được bảo vệ vì tinh dịch có tính kiềm
- Thói quen thụt rửa âm đạo
- Dùng thuốc tránh thai nội tiết, màng ngăn âm đạo, đặt vòng T ngừa thai, thuốc diệt tinh trùng
- Dùng thuốc đặt kháng nấm, kháng khuẩn, những loại thuốc này không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn có lợi mà còn làm mất thăng bằng pH âm đạo
- Chu kỳ kinh nguyệt, máu kinh nguyệt có tính kiềm làm tăng độ pH trong âm đạo
- Mãn kinh, bé gái chưa dậy thì do có ít khuẩn Lactobacillus thường trú nên độ pH từ 6 đến 8
- Đang có thai
- Bệnh lý nội khoa (đái tháo đường, suy giảm miễn dịch..) và việc sử dụng thuốc điều trị
- Điều trị tia xạ
4. Làm cách nào để duy trì cân bằng pH âm đạo?
- Khi quan hệ tình dục, hãy sử dụng bao cao su rào chắn. Điều này không chỉ bảo vệ khỏi những bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục mà còn ngăn chặn tinh dịch kiềm phá vỡ mức độ pH âm đạo.
- Tránh thụt rửa âm đạo vì có thể vô tình gây loại bỏ các vi khuẩn có lợi, gây rối loạn hệ vi khuẩn âm đạo và gây thay đổi pH âm đạo. Chỉ cần giữ vệ sinh âm đạo bằng rửa dung dịch vệ sinh phù hợp ở bên ngoài, lau khô âm hộ bằng khăn mềm sau khi đi tắm, sau khi đi vệ sinh, mặc quần áo thoáng mát.
- Nên theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để có sự lựa chọn phương pháp ngừa thai thích hợp.
- Khi bị viêm nhiễm, nên đến phòng khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.
- Thay băng thường xuyên trong giai đoạn kinh nguyệt giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và giảm nguy cơ tăng pH âm đạo, do máu có pH cao hơn pH âm đạo.
- Bổ sung vào chế độ ăn các thực phẩm như hoa quả tươi, sữa chua, ngũ cốc nguyên hạt, uống nhiều nước. Không sử dụng quá nhiều trà, cà phê, thức uống có ga, các thức ăn có nhiều dầu mỡ.
- Sau khi sử dụng kháng sinh, có thể sử dụng men vi sinh bằng đường uống hoặc thuốc đặt cân bằng pH âm đạo.Men vi sinh (probiotic) giúp phục hồi mức độ vi khuẩn tự nhiên của cơ thể.
Độ pH âm đạo được xem là thức đo sức khoẻ “cô bé”. Giữ cân bằng pH âm đạo giúp tạo hàng rào bảo vệ tự nhiên của hệ sinh dục nữ chống lại các tác nhân gây bệnh. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.
BS. Phun Lan Phương | Bệnh viện Vạn Hạnh