Bình thường, thành âm đạo được bao phủ bởi một lớp dịch mỏng trong suốt bởi hormon estrogen giúp giữ cho niêm mạc âm đạo khỏe mạnh, dày và đàn hồi. Vì vậy khi nội tiết tố estrogen này bị sụt giảm sẽ làm giảm chất làm ẩm âm đạo, dẫn đến khô âm đạo. Cùng Tình dục thông thái tìm hiểu nguyên nhân gây khô âm đạo và các phương pháp khắc phục tình trạng này nhé!
1. Nguyên nhân gây khô âm đạo
Khô âm đạo có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là do tụt giảm nồng độ hormon estrogen. Sự suy giảm estrogen buồng trứng này có thể do mãn kinh hoặc các nguyên nhân khác. Phụ nữ bước vào tuổi tiền mãn kinh bắt đầu sản xuất ít estrogen và giảm dần rõ rệt khi bước sang tuổi mãn kinh. Khô âm đạo là một triệu chứng phổ biến của thời kì mãn kinh.
Ngoài ra, tụt giảm estrogen còn gặp ở các trường hợp:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Xạ trị, hóa trị ung thư vùng chậu
- Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
- Các thuốc kháng estrogen được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung
- Các nguyên nhân khác như:
- Hội chứng Sjögren
- Yếu tố tâm lý, căng thẳng kéo dài
- Không đủ màn dạo đầu khi giao hợp
- Viêm nhiễm âm đạo
- Thụt rửa âm đạo không đúng cách, không có chỉ định của bác sĩ
- Sử dụng thuốc có thành phần ức chế, giảm tiết dịch âm đạo: các thuốc kháng histamin, thuốc tránh thai hàng ngày, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị hen suyễn
- Hút thuốc lá, uống rượu
2. Ảnh hưởng của khô âm đạo
Khô âm đạo ảnh hưởng đến cuộc sống của chị em phụ nữ theo nhiều hướng khác nhau:
- Khiến nhiều phụ nữ suy giảm ham muốn: Khô âm đạo gây ngứa, cảm giác châm chích, đau rát khi quan hệ tình dục, ngay cả khi ma sát nhẹ nhàng, có thể chảy máu sau quan hệ.
- Đau trong những thời điểm khác, gây khó chịu khi ngồi, đứng, thể dục, đi tiểu… Ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, giảm chất lượng cuộc sống.
- Tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa
- Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần
- Giảm khả năng thụ thai: Dịch âm đạo giúp bôi trơn hỗ trợ tinh trùng di chuyển vào buồng tử cung. Khô âm đạo làm giảm sự di chuyển của tinh trùng vào buồng tử cung.
3. Biện pháp khắc phục khô âm đạo
Các biện pháp khắc phục khô âm đạo bao gồm can thiệp nội tiết và không dùng thuốc. Liệu pháp đầu tay điều trị khô âm đạo thường là chất bôi trơn và kem dưỡng ẩm. Khi các biện pháp đầu tay không giúp giảm triệu chứng, thì liệu pháp estrogen được chỉ định cho bệnh nhân.
3.1 Chất bôi trơn và kem dưỡng ẩm
Khô âm đạo có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng thường xuyên các chất làm ẩm âm đạo cùng với việc sử dụng chất bôi trơn âm đạo khi quan hệ tình dục. Điều này cải thiện sự thoải mái ở vùng kín và tăng độ ẩm cho âm đạo nhưng không thể thay đổi tình trạng teo âm đạo do thiếu hụt nội tiết tố. Do đó chất bôi trơn và kem dưỡng ẩm âm đạo tỏ ra hiệu quả đối với những người có triệu chứng nhẹ.
3.2 Biện pháp khắc phục tại nhà
- Quan hệ tình dục thường xuyên: Hoạt động tình dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát chứng khô âm đạo. Lưu lượng máu đến các mô âm đạo tăng lên khi kích thích và điều này giúp kích thích tăng sản xuất chất làm ẩm
- Tránh một số sản phẩm vệ sinh: Những sản phẩm vệ sinh toàn thân và âm đạo có chứa thành phần kích ứng hoặc làm khô âm đạo ( xà phòng thơm tính kiềm hoặc các sản phẩm vệ sinh quá acid..)
- Không thụt rửa âm đạo
- Sử dụng hực phẩm bổ sung: sản phẩm từ đậu tương chứa nhiều isoflavone được coi là 1 estrogen thực vật, tốt cho phụ nữ. Ăn nhiều rau xanh, bổ sung các loại vitamin nhóm B ( B1, B2, B3, B6, B12)
- Hạn chế stress, giảm căng thẳng
- Uống đủ nước 2-3 lít nước/ ngày
- Tập thể dục thể thao
- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
3.3 Can thiệp nội tiết tố
Bao gồm thuốc đặt âm đạo và thuốc uống. Liệu pháp estrogen được sử dụng trong trường hợp cần thiết và nên có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý sử dụng.
Khô âm đạo đa phần đáp ứng tốt với liệu pháp estrogen đặt âm đạo. Tuy nhiên trước khi điều trị cần loại trừ các trường hợp bệnh lý khác. Cụ thể, bệnh nhân có triệu chứng đường tiết niệu nên được đánh giá xem có nhiễm trùng tiết niệu, viêm bàng quang không; chảy máu sau quan hệ có do viêm nhiễm, viêm lộ tuyến CTC, polyp CTC… Bệnh nhân cần được thăm khám cụ thể và được tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
Tóm lại, nếu tình trạng khô âm đạo kéo dài vài tuần và những biện pháp đơn giản không thể cải thiện tình trạng này hoặc chảy máu sau khi quan hệ, ra máu bất thường giữa chu kì, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của bạn thì hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám kịp thời.
Bs. Trần Nguyệt Phương Hoa | Bệnh viện Hồng Ngọc