Người ấy của bạn cũng cần được thăm khám và tầm soát STIs - Tình Dục Thông Thái

Người ấy của bạn cũng cần được thăm khám và tầm soát STIs

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) có triệu chứng rõ rệt, trong khi một vài bệnh STIs khác lại thầm lặng và có thể không có triệu chứng. Lý do này khiến nhiều người chủ quan nghĩ rằng họ không hề mắc bệnh STIs cho đến khi bệnh diễn tiến nặng hơn và phải đi xét nghiệm thăm khám. Mặc dù STIs thường không đe dọa tính mạng, nhưng việc không điều trị kịp thời có thể gây vô sinh hoặc ung thư.

Không chỉ vậy, việc không thăm khám và tầm soát các bệnh STIs còn làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh sang bạn tình mà không hề hay biết. Ngoài tự kiểm tra sức khỏe của bản thân, người ấy cũng cần được thăm khám và tầm soát STIs. Điều này giúp duy trì mối quan hệ của chính bạn và người ấy được lâu dài và lành mạnh.

Tại sao STIs là một trong những rào cản trong mối quan hệ? 

Có một vài vấn đề về STIs khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc chia sẻ với người ấy. Theo tâm lý chung, mọi người thường né tránh nói về STIs vì nghĩ rằng họ sẽ bị người khác đánh giá và soi xét. Do đó, ngoài việc thấy tổn thương về mặt tinh thần, người nghi ngờ mình mắc STIs hay đã mắc STIs thường có xu hướng che giấu tình trạng của bản thân với người bên cạnh. Những nguyên nhân dưới đây như rào cản vô hình khiến mối quan hệ của những cặp đôi trở nên không an toàn nữa. 

Bệnh STIs khiến bạn trở nên tự ti trong mối quan hệ của chính mình 

Lý do khiến STIs trở thành một vấn đề khó chia sẻ là vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử đối với người bệnh. Nỗi sợ bị kỳ thị là một vấn đề to lớn mà người mắc các bệnh STIs thường phải chịu đựng. Những hành động xa lánh có thể dẫn đến sự xấu hổ, cảm giác cô lập và mất đi mong muốn tìm sự hỗ trợ về mặt y tế. Bệnh STIs cũng như các bệnh lây nhiễm khác, người mắc bệnh vẫn có thể điều trị khỏi hoặc kiểm soát tình trạng bệnh ổn định hơn. Sự quan tâm và cảm thông là phương tiện hỗ trợ tốt nhất về mặt tinh thần đối với người mắc bệnh STIs.    

Che giấu tình trạng bệnh làm mất sự thành thật và tin tưởng trong mối quan hệ

Che giấu việc bạn đang mắc bệnh STIs với đối phương có thể khiến người ấy cảm thấy thất vọng và không còn tin tưởng vào mối quan hệ này nữa. Thành thật về tình trạng STIs của bản thân với đối phương là điều tốt nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của người ấy. Cách giải quyết tốt nhất vào thời điểm đó là thực hiện thăm khám kiểm tra STIs để có hướng xử lý kịp thời.

Thành thật và mạnh dạn chia sẻ về STIs góp phần tạo sự tin tưởng trong mối quan hệ

Không được thăm khám và tầm soát STIs có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả bạn và người ấy

Thực hiện xét nghiệm sàng lọc các bệnh STIs vẫn còn là một khó khăn đối với nhiều người. Trong vài trường hợp, có những cặp đôi ngại việc thăm khám STIs vì lo lắng kết quả chẩn đoán có thể làm ảnh hưởng mối quan hệ của họ. Tuy nhiên, suy nghĩ sai lầm này có thể vô tình khiến bạn và người ấy rơi vào nguy hiểm. Các bệnh STIs khi không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại những hậu quả trước mắt và lâu dài như: 

  • Lây truyền bệnh sang bạn tình.
  • Tăng nguy cơ vô sinh.
  • Gây nguy hiểm khi mắc STIs trong thai kỳ.
  • Tăng khả năng bị lây nhiễm HIV.
  • Bị biến chứng phức tạp như nhiễm trùng cơ hội, ung thư, mù lòa, tổn thương cơ quan khác như não, tim, thận và xương.

Cách chia sẻ các vấn đề về bệnh STIs với người ấy 

Mở đầu trò chuyện với người ấy về việc xét nghiệm các bệnh STIs

Dù mối quan hệ giữa bạn và người ấy đang ở bất kỳ giai đoạn nào, hay chỉ mới vừa bắt đầu phát triển mối quan hệ, việc đối diện và thành thật chia sẻ những vấn đề về sinh hoạt tình dục sẽ giúp cả hai hiểu rõ nhau hơn. Những chia sẻ này giúp bạn và họ xác định được mức độ cần thiết trong việc đi thăm khám và tầm soát bệnh STIs. Những vấn đề mà hai bạn nên chia sẻ và lắng nghe từ đối phương, bao gồm:

  •  Tình trạng sức khỏe tình dục.
  •  Thói quen sinh hoạt tình dục.
  •  Những nguy cơ có thể khiến bạn hoặc họ mắc STIs.
  •  Thống nhất dùng các biện pháp nào để bảo vệ sức khỏe tình dục của nhau. 

Hãy cởi mở và thành thật với người ấy khi bạn nghi ngờ mình có nguy cơ mắc STIs và có tiền sử mắc STIs. Thậm chí, dù bạn không mắc STIs, vẫn nên nói với họ việc xét nghiệm STIs cũng chỉ là một trong những cách quan tâm và tôn trọng vấn đề sức khỏe lẫn nhau, tạo sự an tâm cho chính bạn và cả họ.

Trước khi xét nghiệm STIs, cần thống nhất cách giải quyết nếu chẳng may một hoặc cả hai bạn có chẩn đoán mắc STIs. Nên chuẩn bị trước về mặt tinh thần và có thể cả bạn và người ấy sẽ cần thời gian để xoa dịu về mặt cảm xúc sau chuyện đó. 

Bạn nên hiểu rằng dù kết quả như thế nào, khi nhìn vào mặt tích cực, cả bạn và người ấy đều sẽ tốt hơn vì đã phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Ngược lại, khi không có kết quả mắc STIs, đây sẽ là sự củng cố về sự an toàn trong mối quan hệ của hai người ở hiện tại và sẽ tiếp tục.

Quan tâm sức khỏe tình dục là bảo vệ hạnh phúc của chính bạn và người ấy

Cách chia sẻ với người ấy về kết quả chẩn đoán bệnh STIs của bạn

Mặc dù việc nói về chẩn đoán bệnh STIs của bạn với đối phương không dễ dàng, nhưng đó là cách đúng đắn để người ấy kịp thời thăm khám và tầm soát bệnh STIs. Dưới đây là những điều lưu ý mà bạn có thể tham khảo để nói chuyện với họ về tình trạng STIs mà bạn đang mắc phải:

  • Giữ bình tĩnh và nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất gặp vấn đề: Hàng triệu người mắc bệnh lây qua đường tình dục và rất nhiều người trong số họ vẫn đang quan hệ tình dục. Hãy cố gắng bắt đầu cuộc trò chuyện với thái độ bình tĩnh và tích cực. STIs là một vấn đề sức khỏe và không thể dùng vấn đề đó để đánh giá về giá trị con người bạn.
  • Tìm hiểu về bệnh STIs mà bạn đang mắc phải: Vẫn còn nhiều lầm tưởng về các bệnh STIs, nên bạn cần tìm hiểu những thông tin chính xác và đáng tin cậy để sẵn sàng trả lời câu hỏi của người ấy. Hãy cho họ biết có những loại thuốc nào có thể điều trị khỏi hoặc giúp kiểm soát tình trạng của bạn.
  • Sẵn sàng cảm thông cho phản ứng của đối phương: Có thể người ấy sẽ có nhiều phản ứng khác lạ. Họ có thể hoảng loạn, thắc mắc với nhiều câu hỏi hoặc cần thời gian để suy nghĩ. Hãy lắng nghe những suy nghĩ của họ thay vì cố gắng tranh cãi.
  • Đừng thúc ép đối phương ra quyết định ngay lúc đó: Khi bạn đã chia sẻ cho người ấy câu chuyện cá nhân của bạn, việc bạn muốn họ thấu hiểu và cảm thông cho bạn là điều bình thường. Tuy nhiên, hãy cho người ấy một chút thời gian. Hãy thể hiện thành ý rằng bạn có thể thông cảm cho phản ứng của họ ở thời điểm đó bằng cách nói với họ rằng: “Có thể đợi họ suy nghĩ về điều đó”.  Việc xử lý như vậy giúp cả bạn và họ đều có thời gian để bình tĩnh lại và xử lý vấn đề một cách sáng suốt hơn.

Để ngăn chặn những hậu quả của bệnh STIs tác động đến sức khỏe và góp phần duy trì một mối quan hệ lành mạnh, có sự thành thật, tin tưởng và tôn trọng nhau, các cặp đôi nên mạnh dạn chia sẻ về vấn đề xét nghiệm sàng lọc bệnh STIs để bảo vệ sức khỏe tình dục cho cả bạn và người ấy. 

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến