Những điều cần biết về giang mai - Tình Dục Thông Thái

Những điều cần biết về giang mai

Mỗi năm, ước tính có khoảng 6 triệu trường hợp mắc bệnh giang mai mới trên toàn cầu ở những người từ 15-49 tuổi. Giang mai có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng trên nhiều cơ quan khác nhau, và thậm chí dẫn đến tử vong nếu không điều trị. 

1. Giang mai là gì? 

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn này được xác định lần đầu tiên vào năm 1905, dài khoảng 6-20 micromet, nhưng đường kính chỉ 0,10-0,18 micromet, nên khó quan sát trực tiếp trên kính hiển vi trường sáng. Thay vào đó, T. pallidum sẽ được quan sát dưới kính hiển vi trường tối, một kỹ thuật sử dụng nguồn sáng đặc biệt tạo ra ánh sáng xiên. Khi được quan sát bằng phương pháp này, T. pallidum là một vi khuẩn hình xoắn ốc, mỏng manh với các đường xoắn quấn chặt vào nhau. Vi khuẩn này di động quay đặc trưng với chuyển động uốn và tới lui.

T. pallidum là một vi khuẩn hình xoắn ốc với các đường xoắn quấn chặt vào nhau
T. pallidum là một vi khuẩn hình xoắn ốc với các đường xoắn quấn chặt vào nhau

T. pallidum có thể lây nhiễm ở bất cứ nơi nào có sự xâm nhập của vi khuẩn. Do đó, sự tiếp xúc của dịch tiết người nhiễm khuẩn với hầu hết các mô đều có thể dẫn đến tổn thương giang mai tại vị trí đó.

Hầu hết các trường hợp mắc mới đều do lây truyền qua đường tình dục. Bệnh cũng có thể lây truyền qua đường bẩm sinh, khi xoắn khuẩn đi qua nhau thai của phụ nữ bị nhiễm bệnh và lây nhiễm sang thai nhi. Bệnh giang mai có thể lây truyền qua đường máu. Tuy nhiên việc mắc phải giang mai qua truyền máu là rất hiếm vì tất cả những người hiến máu đều được sàng lọc và T. pallidum không thể sống sót lâu hơn 24-48 giờ trong điều kiện bảo quản của ngân hàng máu. 

2. Triệu chứng giang mai 

Giang mai phát triển theo từng giai đoạn, với các triệu chứng thay đổi. Các giai đoạn có thể trùng lặp và các triệu chứng không phải lúc nào cũng xảy ra theo cùng một thứ tự. Bạn cũng có thể bị nhiễm giang mai mà không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm.

2.1. Giang mai giai đoạn 1  

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là sự xuất hiện một tổn thương da khu trú, gọi là săng, tại vị trí vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Hầu hết người nhiễm bệnh chỉ xuất hiện một săng, một số khác lại phát triển nhiều săng.

Săng giang mai thường xuất hiện khoảng 3 tuần sau khi tiếp xúc. Săng thường chắc, tròn và không đau, kéo dài từ 3-6 tuần và lành bất kể có điều trị hay không.

2.2. Giang mai giai đoạn 2  

Trong vòng vài tuần kể từ khi vết săng ban đầu lành lại, người bệnh có thể bị phát ban trên da. Phát ban thường không ngứa và có thể kèm theo các nốt mụn giống như mụn nước ở miệng hoặc vùng sinh dục. Một số người còn bị rụng tóc, đau cơ, sốt, đau họng và sưng hạch bạch huyết. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể biến mất trong vài tuần hoặc tái phát liên tục trong một năm.

Giang mai giai đoạn hai thường được đánh dấu bằng các mảng phát ban trên da nhưng không ngứa
Giang mai giai đoạn hai thường được đánh dấu bằng các mảng phát ban trên da nhưng không ngứa

2.3. Giang mai tiềm ẩn

Nếu không được điều trị, bệnh sẽ chuyển từ giai đoạn 2 sang giai đoạn tiềm ẩn. Giai đoạn này có thể tồn tại trong nhiều năm mà không có triệu chứng. 

2.4. Giang mai giai đoạn 3 

Khoảng 15% đến 30% những người bị nhiễm giang mai nếu không được điều trị sẽ phát triển các biến chứng được gọi là giang mai giai đoạn 3. Ở giai đoạn này, bệnh có thể gây tổn thương não, thần kinh, mắt, tim, mạch máu, gan, xương khớp. 

3. Nên làm xét nghiệm để chẩn đoán giang mai? 

Bất kỳ ai có dấu hiệu hoặc triệu chứng gợi ý bệnh giang mai nên được xét nghiệm. Ngoài ra, những ai có quan hệ (bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo) với người đã bị chẩn đoán giang mai cũng nên xét nghiệm.  

Một số người nên được xét nghiệm tầm soát bệnh giang mai ngay cả khi họ không có triệu chứng và cũng không có bạn tình mắc bệnh giang mai:

  • Đang mang thai
  • Quan hệ tình dục nam-nam 
  • Bị HIV và đang có hoạt động tình dục 
  • Đang dùng thuốc để dự phòng HIV 
Xét nghiệm Syphilis là xét nghiệm được thực hiện nhằm sàng lọc, chẩn đoán bệnh giang mai
Xét nghiệm Syphilis là xét nghiệm được thực hiện nhằm sàng lọc, chẩn đoán bệnh giang mai

4. Nguyên tắc điều trị giang mai

Mục tiêu của việc điều trị bệnh giang mai ở giai đoạn sớm là ngăn ngừa các kết quả bất lợi lâu dài của việc lây nhiễm và giảm lây truyền cho người khác. Giang mai sớm đề cập đến bệnh giang mai giai đoạn 1, 2 và giai đoạn tiềm ẩn sớm (<12 tháng). Bệnh nhân thường sẽ được điều trị kháng sinh và được theo dõi sau đó. 

Giang mai muộn bao gồm giang mai giai đoạn 3 và giang mai tiềm ẩn muộn. Thời gian điều trị lâu hơn so với những người bị giang mai sớm. Bệnh nhân có biểu hiện thần kinh nên được điều trị giang mai thần kinh.

Mặc dù thuốc kháng sinh phù hợp có thể chữa khỏi giang mai, nhưng không thể phục hồi những tổn thương đã gây ra. Nếu giang mai gây mất thính lực, bạn sẽ tiếp tục bị mất thính lực sau khi được điều trị. Nếu giang mai đã làm tổn thương tim của bạn, bạn có thể cần phẫu thuật để sửa chữa tổn thương.

Sau khi điều trị kết thúc và quay lại quan hệ tình dục, nên sử dụng bao cao su để tránh tái nhiễm, cũng như hạn chế mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. 

Điều trị bệnh giang mai ở giai đoạn sớm ngăn ngừa các kết quả bất lợi lâu dài của việc lây nhiễm
Điều trị bệnh giang mai ở giai đoạn sớm ngăn ngừa các kết quả bất lợi lâu dài của việc lây nhiễm

Giang mai là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra những biến chứng nặng không thể hồi phục nếu điều trị trễ. Do đó việc nhận biết sớm các triệu chứng và yếu tố nguy cơ để tầm soát là vô cùng quan trọng. 

 

Bác sĩ Bùi Thị Ánh Phương

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến