Viêm âm đạo là bệnh lý phụ khoa rất phổ biến ở phụ nữ. Bệnh không cấp tính nhưng gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một trong những nguyên nhân gây viêm âm đạo là do nấm. Theo thống kê cho thấy 75% phụ nữ bị nhiễm nấm ít nhất 1 lần trong đời, 45% phụ nữ viêm âm đạo do nấm trên 2 lần/năm. Hãy cùng tìm hiểu về nấm âm đạo để có biện pháp ngăn ngừa và điều trị kịp thời nhé!
1. Nguyên nhân gây ra nấm âm đạo
Nấm âm đạo là tình trạng viêm âm đạo do nấm. Nấm âm đạo chiếm tới 20% nguyên nhân gây ra viêm âm đạo, chủ yếu do nấm Candida albicans (chiếm 85 – 90%). Tỷ lệ nhiễm nấm Candida cao nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
1.1 Các yếu tố nguy cơ đã được xác định
- Đái tháo đường: phụ nữ bị đái tháo đường kiểm soát đường huyết kém dễ bị nấm Candida hơn phụ nữ khác, đặc biệt là đái tháo đường typ 2
- Sử dụng kháng sinh kéo dài, phổ rộng: làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh nấm Candida. Có tới ¼ – 1/3 phụ nữ nhiễm nấm trong hoặc sau khi dùng thuốc kháng sinh này vì sự ức chế hệ vi khuẩn tạo điều kiện cho sự phát triển của nấm.
- Có thai
- Điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc HIV
- Di truyền
1.2 Các yếu tố tác động không rõ ràng
- Uống thuốc tránh thai hàng ngày
- Dụng cụ tránh thai: màng ngăn âm đạo, dụng cụ tử cung có liên quan đến nhiễm nấm nhưng khdaông nhất quán trong các nghiên cứu. Thuốc diệt tinh trùng không liên quan đến nhiễm nấm Candidchanh a.
- Hành vi tình dục: Nấm âm đạo không được xem là 1 bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng không có nghĩa là nhiễm nấm Candida không lây truyền qua đường tình dục và không liên quan đến hoạt động tình dục
- Thụt rửa âm đạo
- Mặc quần áo ẩm ướt, quá chật
2. Triệu chứng của nấm âm đạo
Phụ nữ nhiễm nấm âm đạo có thể có những triệu chứng:
- Khí hư: trắng, loãng hay đục như váng sữa, có thể vón cục, không mùi.
- Đau rát âm đạo, đau khi giao hợp, ngứa, nóng rát âm đạo, kích ứng.
- Đi tiểu khó
- Đỏ, phù nề vùng da âm hộ, môi lớn, môi bé
3. Nấm âm đạo có nguy hiểm không?
Nấm âm đạo không phải là một bệnh cấp tính. Tuy nhiên, viêm âm đạo nấm có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu như không được điều trị: .
- Ảnh hưởng đến tâm sinh lý: tình trạng đau rát, có mùi khó chịu sẽ làm giảm sự tự tin, sợ hãi lúc gần gũi
- Dễ bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, viêm nhiễm khác: thuận lợi cho các nhiễm trùng cơ hội khác.
- Tái phát nhiều lần ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.
Đối với các bà mẹ đang mang thai, khi bị nhiễm nấm, các triệu chứng thường nặng và gây khó chịu hơn, có thể gây sẩy thai tự nhiên. Nếu sinh bé qua đường âm đạo, có thể gây viêm niêm mạc miệng, viêm da và viêm phổi. Viêm âm đạo do nấm khi mang thai có thể làm cho cân nặng sơ sinh thấp hơn bình thường.
4. Phương pháp điều trị nấm âm đạo
4.1 Các biện pháp vệ sinh
- Vệ sinh sạch sẽ, quần áo lót giặt sạch phơi dưới trời nắng
- Không mặc đồ quá chật, mặc đồ lót cotton, nếu cảm thấy thoải mái khi không có nó có thể bỏ mặc đồ lót khi đi ngủ.
- Không sử dụng xà phòng và các chế phẩm tại chỗ, không thụt rửa âm đạo.
4.2 Điều trị
Tùy tình trạng và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc để bệnh nhân sử dụng. Có thể sử dụng các thuốc kháng nấm đường uống, đặt âm đạo, bôi, rửa,…
Ngay cả khi đã từng bị nhiễm nấm trước đó, bạn nên tới bệnh viện để thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tránh trường hợp sử dụng thuốc đã từng kê nhưng không cải thiện tình trạng viêm âm đạo.
Những thông tin được truyền tải nhằm giúp người phụ nữ có thể nhận diện sớm để kịp điều trị, nhưng nó không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên gia y tế. Vậy nên hãy luôn tham khảo ý kiến các bác sĩ trước khi điều trị.
Hầu hết các bệnh lý tình dục, kể cả nấm âm đạo tiến triển âm thầm và không có triệu chứng điển hình. Tuy là một bệnh lý phổ biến nhưng tâm lý ngại chia sẻ, ngại khám nên có những phương pháp điều trị sai cách dẫn tới việc chẩn đoán sai và điều trị khó khăn hơn. Bạn hãy thăm khám và tầm soát định kỳ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé!
BS. Đặng Thị Thảo Ly | Bệnh Viện Hồng Ngọc