Những thông tin cần biết về HPV (Phần 3) - Tình Dục Thông Thái

Những thông tin cần biết về HPV (Phần 3)

Trong hầu hết các trường hợp, người bị nhiễm HPV đều không biết họ đang bị bệnh, vì không có triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe rõ ràng để nhận biết. Một số người chỉ nhận ra họ bị nhiễm HPV khi bị nổi mụn sinh dục hoặc khi có kết quả xét nghiệm pap (phết tế bào cổ tử cung). Một số người khác chỉ phát hiện ra khi bệnh đã tiến triển thành những vấn đề nghiêm trọng hơn như ung thư. Vậy nguyên nhân nhiễm HPV là gì? Các cách phòng ngừa căn bệnh này như thế nào? Mời bạn xem bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân nào có thể dẫn đến nhiễm HPV?

Nhiễm virus HPV thường là do quan hệ tình dục qua đường hậu môn, âm đạo hoặc đường miệng với người nhiễm virus. Một số trường hợp HPV gây tổn thương đường hô hấp trên do quan hệ tình dục bằng miệng. Ở những người chưa từng quan hệ tình dục, khả năng mắc HPV sẽ giảm đi đáng kể. 

Một người nhiễm HPV có thể truyền bệnh cho người khác ngay cả khi họ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng.

Các yếu tố là nguy cơ lây nhiễm HPV: 

  • Quan hệ với nhiều bạn tình: Càng có nhiều bạn tình, nguy cơ nhiễm HPV qua đường sinh dục của bạn càng cao. Và nếu bạn tình của bạn cũng là người có nhiều bạn tình sẽ càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. 
  • Quan hệ với bạn tình mới
  • Quan hệ tình dục sớm
Càng có nhiều bạn tình, nguy cơ nhiễm HPV qua đường sinh dục càng cao
Càng có nhiều bạn tình, nguy cơ nhiễm HPV qua đường sinh dục càng cao

2. Trẻ em gái tuổi vị thành niên có nguy cơ nhiễm HPV hay không?

Hoàn toàn có thể. HPV có thể xuất hiện ở trẻ em gái vị thành niên nếu bé gái đó đã có quan hệ tình dục, hay khi phần niêm mạc sinh dục của bé vô tình tiếp xúc với những vật thể nhiễm HPV, như dùng chung quần áo với người nhà đã bị nhiễm HPV trước đó (xác suất thấp hơn so với quan hệ tình dục).

Theo một nghiên cứu trên 474 bé gái, độ tuổi 15-16, tự báo cáo là chưa từng quan hệ tình dục, tỷ lệ nhiễm vi rút HPV ở các bé lên đến 8,4%, và có 5,3% bé nhiễm các tuýp HPV nguy cơ cao. Tỷ lệ nhiễm HPV cao liên quan đến việc thụt rửa trong âm đạo. Điều này phản ánh hoạt động tình dục ở trẻ vị thành niên chưa được báo cáo đầy đủ, vì việc thụt rửa trong âm đạo là một dấu hiệu cho thấy các hành vi tình dục.

Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cũng cho thấy độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở trẻ vị thành niên ngày càng sớm. Đáng lo ngại hơn, kiến thức phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn còn rất hạn chế – chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.

3. Biện pháp phòng ngừa

3.1 Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV

Vắc xin HPV là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bạn khỏi các bệnh gây ra bởi virus HPV (bao gồm cả ung thư). CDC khuyến cáo tiêm vắc xin HPV cho tất cả trẻ vị thành niên (cả bé trai và bé gái) ở độ tuổi 11 hoặc 12 tuổi (hoặc có thể bắt đầu từ lúc 9 tuổi) và tất cả mọi người dưới 26 tuổi mà chưa tiêm vắc xin.

Tiêm chủng không được khuyến cáo cho những người hơn 26 tuổi. Tuy nhiên người lớn từ 27-45 tuổi chưa tiêm vắc xin vẫn có thể tiêm vắc xin sau khi trao đổi với bác sĩ về lợi ích của việc tiêm chủng và nguy cơ nhiễm HPV. Tiêm chủng HPV trong độ tuổi này sẽ mang lại ít tác dụng hơn.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa HPV
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa HPV

3.2 Quan hệ tình dục an toàn, chung thuỷ với một bạn tình

Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục giúp làm giảm nguy cơ mắc HPV, nhưng virus vẫn có thể lây nhiễm qua những vùng bao cao su không bao phủ được, vì thế hiệu quả bảo vệ của bao cao su không triệt để. 

Quan hệ một vợ một chồng giúp bạn tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm HPV. Ở bất cứ độ tuổi nào, có thêm một bạn tình mới là yếu tố nguy cơ để nhiễm thêm một loại HPV mới.

3.3 Tầm soát ung thư cổ tử cung định kì

Tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ có nguy cơ trung bình từ 21–65 tuổi. Đối với những phụ nữ > 65 tuổi, việc sàng lọc định kỳ có thể ngừng nếu đã sàng lọc “đầy đủ” trước đó, với kết quả âm tính. Cần sàng lọc sau 65 tuổi đối với những phụ nữ không đáp ứng các tiêu chí sàng lọc trước hoặc có nguy cơ đặc biệt.

Tầm soát định kì giúp phát hiện sớm HPV
Tầm soát định kì giúp phát hiện sớm HPV

4. Biện pháp điều trị

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus HPV, tuy nhiên đã có phương pháp điều trị cho các vấn đề sức khỏe do HPV gây ra như: mụn sinh dục, ung thư cổ tử cung, ung thư khác do HPV.

Phần lớn các ung thư liên quan đến HPV có thể chữa khỏi khi được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm.

Hầu hết các trường hợp người bị nhiễm HPV đều không có triệu chứng rõ ràng. Do đó, bạn có thể quan hệ với một người bị nhiễm HPV mà không hề biết rằng người đó đã nhiễm bệnh. Vì thế chủ động phòng ngừa bằng vắc xin, thăm khám định kỳ là biện pháp thích hợp nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Dược sĩ Hà Kiều Oanh

 

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến