Bạn hãy cùng Tình dục thông thái tìm hiểu những câu hỏi về bệnh lậu thường gặp và giải đáp của BS. CKII. Nguyễn Thị Thanh Thơ nhé!
Câu hỏi 1 | Thưa bác sĩ, chẩn đoán bệnh lậu như thế nào? Những dấu hiệu nào để nhận biết có khả năng mắc bệnh lậu hoặc viêm niệu đạo không phải lậu?
Giải đáp:
Việc chẩn đoán bệnh lậu sẽ tương đối dễ dàng nếu như bệnh nhân có dấu hiệu bất thường như:
- Tiểu gắt, buốt
- Có tiết dịch, mủ ở niệu đạo
Cách tốt nhất là bệnh nhân nên đến Bệnh viện Da Liễu để được bác sĩ tư vấn, khám, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, tránh biến chứng về sau.
Câu hỏi 2 | Thưa bác sĩ, bệnh lậu không chữa trị hoặc điều trị không đúng dẫn đến hậu quả gì?
Giải đáp:
Nếu không điều trị hoặc điều trị bệnh lậu không đúng cách có thể gây những biến chứng nặng nề về sau.
Đối với nam giới có thể gây viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn, gây tiết dịch niệu đạo kéo dài, áp xe do lậu. Đối với nữ giới, biểu hiện bệnh thường kín đáo, tuy nhiên biến chứng thường nặng nề như viêm tử cung, buồng trứng, vòi trứng tắc ống dẫn chứng gây vô sinh, viêm vùng chậu… Ở mức độ nặng, vi trùng có thể vào máu gây nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
Câu hỏi 3 | Thưa bác sĩ, tôi có nguy cơ mắc bệnh lậu không?
Giải đáp:
Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị mắc bệnh lậu khi quan hệ tình dục không an toàn qua đường hậu môn, âm đạo hoặc bằng miệng.
Bạn nên xét nghiệm bệnh lậu hàng năm:
- Nếu là người đồng tính nam, người đồng tính nữ, lưỡng tính hoặc là nam giới có quan hệ tình dục với nữ giới
- Nếu là nữ giới chưa đến 25 tuổi và có quan hệ tình dục hoặc là phụ nữ lớn tuổi có các yếu tố nguy cơ như có bạn tình mới; có nhiều bạn tình, hoặc có bạn tình bị mắc STD
Câu hỏi 4 | Thưa bác sĩ, có cần phải điều trị bạn tình không?
Giải đáp:
Hầu hết các bệnh tình dục đều có khả năng lây nhiễm, vì thế khi điều trị cho bạn và cả bạn tình của bạn cũng được tư vấn và điều trị. Nếu bạn tình không đến khám thì bạn có thể đề nghị bác sĩ cấp thuốc điều trị cho bạn tình, phòng bệnh tái nhiễm.
Câu hỏi 5 | Thưa bác sĩ, đối với phụ nữ mang thai, việc điều trị lậu có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Giải đáp:
Phụ nữ mắc bệnh lậu khi mang thai hoặc cho con bú phải báo bác sĩ biết vì hiện tại việc điều trị có nhiều loại thuốc hoàn toàn không ảnh hưởng đến thai nhi và cho con bú.
Câu hỏi 6 | Khi điều trị lậu cần tránh những việc gì?
Giải đáp:
Mục đích điều trị bệnh lậu là khỏi bệnh nhanh, tránh tái nhiễm, tái phát và không để biến chứng. Vì thế muốn đạt được hiệu quả điều trị tốt, cần tránh những việc sau đây 1 tuần sau khi hoàn thành điều trị bao gồm:
- Không quan hệ tình dục
- Không uống rượu bia
- Không làm việc nặng hay nặn vuốt dọc niệu đạo để kiểm tra xem có dịch tiết không
Câu hỏi 7 | Tại sao tôi bị mắc bệnh lậu? Massage có bị lây bệnh lậu không?
Giải đáp:
Bệnh lậu có thể lây qua các đường sau: khi quan hệ tình dục với người mắc bệnh mà không được bảo vệ (bao cao su) đúng cách; quan hệ tình dục bao gồm: sinh dục -sinh dục, sinh dục – hậu môn, sinh dục-miệng; tất cả những cách trên đều có nguy cơ mắc bệnh lậu; bệnh lậu có thể lây qua vật dụng trung gian dính dịch tiết của người mắc bệnh lậu, nhưng tỉ lệ thấp.
Câu hỏi 8 | Nơi nào đáng tin cậy để khám bệnh lậu hoặc những bệnh tình dục khác?
Giải đáp:
BV Da Liễu là bệnh viện tuyến chuyên khoa cao nhất ở các tỉnh phía nam phụ trách và điều trị các bệnh lây qua tình dục, là nơi có nhiều bác sĩ chuyên khoa, nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh lây qua tình dục, cùng với các kỹ thuật cao xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, giúp điều trị nhanh chóng các bệnh lây qua tình dục.
BS. CKII. Nguyễn Thị Thanh Thơ | Bệnh viện Da liễu TPHCM