[Hỏi đáp bác sĩ] Bệnh lậu có nguy hiểm không? - Tình Dục Thông Thái

[Hỏi đáp bác sĩ] Bệnh lậu có nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn y khoa bởi BS. Trần Đoàn Thiên Quốc về sự nguy hiểm và tác hại của bệnh lậu. Việc không điều trị hoặc điều trị không đúng cách các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gây ra di chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân. STIs có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản bao gồm vô sinh, ung thư, các biến chứng khi mang thai.

Vì thế, điều này cũng có tác động đến chính sách y tế mỗi quốc gia. Có hơn 1 triệu người nhiễm STIs mỗi ngày. Trong các tác nhân gây bệnh, lậu là tác nhân lây truyền qua đường tình dục phổ biến thứ hai trên toàn thế giới. Lậu là vi khuẩn song cầu Gram âm, tên tiếng Anh là Neisseria gonorrhoeae. Tác hại của bệnh lậu lên bệnh nhân là cực kì nguy hiểm.

Ngoài lậu, còn nhiều tác nhân khác lây truyền qua đường tình dục khác: HIV, Giang mai, Chlamydia trachomatis, Mycoplasma genitalium, Ureaplasma, Trichomonas vaginalis và Herpes simplex virus…

1. Mức độ phổ biến của bệnh lậu

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), mỗi năm có 87 triệu ca lậu mới trên toàn thế giới, vùng Châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) có tỷ lệ cao nhất. 

Tại Hoa Kỳ, trong năm 2018, có 583.405 trường hợp nhiễm lậu đã được CDC thống kê, là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến thứ hai. Tỉ lệ mắc lậu đã tăng 82,6% kể từ mức thấp nhất vào năm 2009. Trong giai đoạn 2017-2018, tỉ lệ chung của bệnh lậu đã tăng 5% ở cả nam và nữ trên mọi vùng miền, chủng tộc và sắc tộc của Hoa Kỳ. 

Tại Việt Nam, bệnh lậu chiếm phần lớn trong các ca bệnh lây truyền qua đường tình dục
Tại Việt Nam, bệnh lậu chiếm phần lớn trong các ca bệnh lây truyền qua đường tình dục

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Da Liễu trung ương năm 2003, bệnh lậu chiếm 4,82% trong các ca bệnh lây truyền qua đường tình dục, tỉ lệ mắc bệnh nam:nữ là 1,5:1. Theo khảo sát của viện Vệ sinh Dịch tễ Quốc gia, số ca lậu ở đối tượng gái mại dâm ước tính khoảng 10%, tuy nhiên, nhóm dân số chung tuổi từ 15 – 49 chỉ chiếm 0,5%. Mỗi năm có khoảng 50.000 – 100.000 ca nhiễm lậu mới ở Việt Nam.

2. Bệnh lậu có nguy hiểm không?

Tùy vào nam hay nữ thì tác hại của bệnh lậu cũng khác nhau. Khi nam giới bị lậu thường biểu hiện viêm niệu đạo như: 

  • Tiết dịch/mủ niệu đạo
  • Tiểu rát buốt, tiểu khó
  • Cảm giác ngứa, kiến bò trong đường tiểu
  • Viêm đỏ miệng niệu đạo

Viêm niệu đạo do lậu ở nam giới không được điều trị có thể dẫn đến viêm tinh hoàn – mào tinh hoàn, hẹp niệu đạo và vô sinh. Rủi ro các biến chứng tăng lên khi nhiễm trùng lặp đi lặp lại.

Bệnh lậu thường không có triệu chứng ở phụ nữ. Nếu có thì thường là các triệu chứng không rõ ràng như ra huyết trắng bất thường, tiểu khó, đau âm ỉ vùng bụng dưới. Khi nhiễm lậu ở hậu môn trực tràng (do quan hệ), thỉnh thoảng sẽ bị đau trực tràng/hậu môn hoặc tiết dịch ở hậu môn. Lậu ở hầu họng sẽ gây đau nhẹ cổ họng và viêm họng.

Phần lớn phụ nữ mắc bệnh lậu đều các triệu chứng mơ hồ. Điều này gây khó khăn trong việc phát hiện bệnh lý và nhiễm trùng không được điều trị. Một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như bệnh viêm vùng chậu mạn tính, viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng, áp xe vòi trứng, có thể dẫn đến thai ngoài tử cung và vô sinh. 

 

Phụ nữ mắc bệnh lậu có thể dẫn đến vô sinh
Phụ nữ mắc bệnh lậu có thể dẫn đến vô sinh

Trẻ sơ sinh có thể bị lây từ mẹ nhiễm lậu cầu, dẫn đến viêm kết mạc biểu hiện bằng chảy mủ mắt và sưng mí mắt. Viêm kết mạc không được điều trị có thể dẫn đến sẹo và mù lòa.

3. Cách điều trị bệnh lậu

Khi nghi ngờ bệnh lậu, bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Phác đồ điều trị lậu thường được khuyến cáo là sử dụng 2 loại kháng sinh với cơ chế hoạt động khác nhau để cải thiện hiệu quả điều trị và giảm khả năng đề kháng kháng sinh. 

Thời gian điều trị có thể dao động từ 5 – 7 ngày. Bệnh nhân được xác định là khỏi bệnh khi hết triệu chứng và các xét nghiệm vi sinh học không còn phát hiện tác nhân gây bệnh. 

Tình trạng nhiễm lậu dai dẳng, kéo dài hoặc mạn tính có thể là do tác nhân đề kháng kháng sinh dù đủ liệu trình, bệnh nhân không hoàn thành phác đồ điều trị, hoặc phơi nhiễm với bạn tình mang mầm bệnh khi đang điều trị.

Song song với việc điều trị, bệnh nhân cần lưu ý không quan hệ tình dục với bất cứ hình thức nào (dương vật – âm đạo, đường miệng, đường hậu môn…). Đồng thời, cần động viên bạn tình đi khám để phát hiện và điều trị các trường hợp nhiễm lậu không triệu chứng.

Song song với việc điều trị, bệnh nhân cần lưu ý không quan hệ tình dục với bất cứ hình thức nào
Song song với việc điều trị, bệnh nhân cần lưu ý không quan hệ tình dục với bất cứ hình thức nào

Việc không điều trị hoặc điều trị không đúng cách các bệnh tình dục sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản, bạn hãy thăm khám tại bệnh viện, cơ sở y tế ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường nhé.

BS. Trần Đoàn Thiên Quốc | Bệnh viện Bình Dân

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến