Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae gây ra. Vi khuẩn lậu truyền từ người bệnh sang người lành khi quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan sinh dục ở nam lẫn nữ. Xét nghiệm bệnh lậu là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh và có phác đồ điều trị kịp thời.
1. Khi nào cần xét nghiệm bệnh lậu?
Các trường hợp sau đây nên xét nghiệm chẩn đoán bệnh lậu:
- Đã từng quan hệ tình dục và có các biểu hiện nghi ngờ bệnh lậu như: tiểu đau buốt, giọt mủ chảy ra ở đầu lỗ tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu…
- Đã từng quan hệ tình dục không an toàn với người bạn tình mắc bệnh lậu
- Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình không sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su
- Đã từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) khác như Chlamydia, giang mai, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục…
- Có tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hay dùng chung đồ dùng cá nhân của người bệnh
2. Phương pháp xét nghiệm bệnh lậu
Để xác định xem có bị bệnh lậu hay không, bác sĩ sẽ cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm tìm vi khuẩn lậu. Các xét nghiệm được sử dụng nhiều nhất hiện nay bao gồm nhuộm gram tìm vi khuẩn lậu cầu, nuôi cấy vi khuẩn lậu và xét nghiệm Polymerase Chain Reaction (PCR) phát hiện vi khuẩn lậu.
2.1. Nhuộm gram tìm vi khuẩn lậu cầu
Một loại thuốc nhuộm đặc biệt sẽ được dùng để làm nổi bật vi khuẩn lậu khi quan sát dưới kính hiển vi. Bệnh phẩm là dịch ở niệu đạo. Người bệnh sẽ được dùng 1 que tampon để phết dịch niệu đạo ở vị trí lỗ tiểu. Thông thường, kết quả xét nghiệm nhuộm gram sẽ có trong 1 – 2 giờ.
2.2. Nuôi cấy vi khuẩn lậu
Sau khi lấy bệnh phẩm từ vị trí nghi ngờ trên cơ thể người bệnh, mẫu sẽ được nuôi cấy trong môi trường phù hợp để vi khuẩn lậu phát triển. Phương pháp nuôi cấy cho kết quả chính xác nhất nếu phát hiện vi khuẩn lậu.
Ngoài ra, nuôi cấy vi khuẩn sẽ kết hợp với xét nghiệm kháng sinh đồ, giúp bác sĩ xác định kháng sinh hiệu quả điều trị bệnh lậu trong bối cảnh nhiều vi khuẩn kháng thuốc như hiện nay. Nhược điểm của phương pháp này là thời gian nuôi cấy sẽ mất từ 3 – 5 ngày.
2.3. Xét nghiệm Polymerase Chain Reaction (PCR) phát hiện vi khuẩn lậu
Mẫu bệnh phẩm là dịch tiết tại lỗ tiểu ở cả nam và nữ. Sau khi lấy mẫu bằng tampon vô trùng, bệnh phẩm sẽ được vận chuyển đến phòng xét nghiệm. DNA của vi khuẩn lậu sẽ được tách chiết từ bệnh phẩm, sau đó được khuếch đại nhiều lần và dễ dàng phát hiện ra sự có mặt của vi khuẩn.
Trường hợp không lấy được dịch chỗ lỗ tiểu, mẫu nước tiểu đầu dòng cũng có thể được dùng thay thế. Kỹ thuật này có độ nhạy, độ đặc hiệu khoảng 98%. Ngoài ra, PCR còn có thể phát hiện các tác nhân STD khác kèm theo nếu có đồng nhiễm như: Chlamydia, Mycoplasma, Ureaplasma… Nhược điểm là giá thành tương đối cao hơn hai phương pháp soi và cấy.
3. Tầm soát bệnh lậu như thế nào?
- Trước khi quan hệ tình dục, khuyến khích người bệnh và bạn tình nên kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Đừng quan hệ tình dục nếu bạn tình của có dấu hiệu của nhiễm trùng lây qua đường tình dục, chẳng hạn như nóng rát khi đi tiểu hoặc đỏ, đau ở bộ phận sinh dục
- Sàng lọc bệnh lậu thường xuyên
- Tầm soát bệnh lậu ở phụ nữ có thai
Ngoài bệnh lậu có các triệu chứng rõ rệt, hầu hết các tác nhân còn lại của STD đều tiến triển âm thầm và không có triệu chứng điển hình. Do vậy, bạn hãy quan tâm đến sức khoẻ của mình, đến thăm khám và tầm soát định kỳ để được chẩn đoán cũng như điều trị kịp thời nhé.
BS.Lê Vũ Tấn | Bệnh viện Bình Dân