5 phương pháp xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục - Tình Dục Thông Thái

5 phương pháp xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually Transmitted Diseases – STDs) là bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Đây là một vấn đề y tế và xã hội nghiêm trọng ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người bệnh. Xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục là điều vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng ngày càng tăng.

1. Các bệnh lây qua đường tình dục phổ biến hiện nay

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp:

  • Giang mai
  • Lậu
  • Nhiễm Chlamydia
  • Hạ cam mềm
  • HIV/AIDS
  • Sùi mào gà (HPV)
  • Bệnh mụn rộp sinh dục (Herpes sinh dục – HSV)
  • Viêm gan siêu vi B (HBV)
  • Trùng roi đường sinh dục (nhiễm Trichomonas)

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh như không sử dụng bao cao su, quan hệ qua đường âm đạo, hậu môn hoặc qua đường miệng. Ngoài ra, tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, kí sinh trùng) có thể lây truyền qua những con đường khác:

  • Lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai
  • Sử dụng chung bơm tiêm không được vô khuẩn
  • Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, vết thương của người bệnh (giang mai, mụn rộp sinh dục, viêm gan siêu vi B)
 Quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân chính gây ra bệnh
Quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân chính gây ra bệnh

2. Những đối tượng cần được xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục

Để giúp việc điều trị dễ dàng, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm, cũng như tránh lây lan cho người khác, việc phát hiện sớm các STDs rất quan trọng. Một số đối tượng cần phải đặc biệt chú ý và tầm soát xét nghiệm STDs định kì là những người:

  • Có quan hệ tình dục không an toàn
  • Có bạn tình thuộc nhóm người có nguy cơ cao (mại dâm, nghiện ma túy)
  • Có bạn tình có biểu hiện STDs
  • Có triệu chứng STDs
  • Dùng chung dụng cụ tiêm chích.
  • Đang mang thai hoặc dự định mang thai

3. Phương pháp xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục

3.1. Nhuộm soi bệnh phẩm bằng kính hiển vi

Đây là loại xét nghiệm cơ bản, chủ yếu dùng để phát hiện vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm.

  • Quy trình: Bác sĩ thường sử dụng tăm bông – một que nhỏ có một đầu là bông gòn – chà xát nhẹ nhàng vào những nơi khác nhau để lấy mẫu bệnh phẩm như chất nhầy, dịch mủ hay một số tế bào ở âm đạo, cổ tử cung, niệu đạo (bộ phận dẫn nước tiểu đi từ bàng quang ra ngoài cơ thể), dương vật, cuống họng hoặc trực tràng… Bệnh phẩm được phết lên lam kính và được quan sát dưới kính hiển vi.
  • Ưu điểm: cho kết quả nhanh, có thể chẩn đoán ngay lập tức nếu tìm thấy xoắn khuẩn giang mai, song cầu khuẩn gây bệnh Lậu, Trùng roi Trichomonas.
  • Nhược điểm: phụ thuộc vào thiết bị và kinh nghiệm của người soi, mẫu cần lấy phải thao tác ngay, có thể nhầm lẫn các vi khuẩn cùng họ, khả năng âm tính giả cao
Nhuộm soi bằng kính hiển vi là xét nghiệm cơ bản nhất để phát hiện bệnh
Nhuộm soi bằng kính hiển vi là xét nghiệm cơ bản nhất để phát hiện bệnh

 3.2. Nuôi cấy trong phòng thí nghiệm

Nuôi cấy trong phòng thí nghiệm là xét nghiệm ưu tiên sử dụng để định danh chính xác tác nhân gây bệnh là vi khuẩn hay nấm. Sau đó tiến hành làm kháng sinh đồ để tìm ra kháng sinh hiệu quả nhất tiêu diệt vi khuẩn.

  • Quy trình: Mẫu bệnh phẩm được đưa vào một hộp đặc biệt. Hộp này chứa môi trường giúp vi khuẩn phát triển. Sau đó hộp được mang đi ủ ở nhiệt độ thích hợp để vi khuẩn hiện diện mọc lên. Hộp được kiểm tra để xem có bất kỳ vi khuẩn nào gây STDs mọc lên không.
  • Ưu điểm: Phương pháp này dùng để phát hiện song cầu khuẩn gây Lậu, Clamydia,…
  • Nhược điểm: phương pháp này khá mất thời gian và có khả năng âm tính giả cao vì có nhiều loại vi khuẩn cùng hiện diện trong mẫu bệnh phẩm 

3.3. Test nhanh (sắc ký miễn dịch)

Đây là phương pháp phát hiện nhanh kháng nguyên/kháng thể của tác nhân gây bệnh trong mẫu bệnh phẩm (máu, dịch tiết, nước tiểu,….). Phương pháp này dùng để phát hiện bệnh giang mai, HIV, Clamydia,… 

  • Quy trình: Mẫu bệnh phẩm (có thể có thêm dung dịch đệm) di chuyển dọc theo chiều dài que nhờ hiện tượng mao dẫn. Nó sẽ phản ứng với các chất chỉ thị đã gắn trên que và tạo ra vạch màu. Một vạch màu sẽ luôn xuất hiện trong vùng chứng, chỉ ra rằng xét nghiệm được thực hiện đúng cách. Sự xuất hiện vạch màu trong vùng thử chứng tỏ có sự hiện diện của tác nhân gây bệnh (khi có 2 vạch màu) trong mẫu bệnh phẩm.
Đọc kết quả test nhanh
Đọc kết quả test nhanh
  • Ưu điểm: cho kết quả nhanh, thao tác đơn giản, không cần hệ thống thiết bị đi kèm, có thể được sử dụng tại các cơ sở y tế hoặc ngoài cộng đồng. Ngòi ra, phưng pháp xét nghiệm này cũng ít tốn kém hơn xét nghiệm sinh học phân tử
  • Nhược điểm: Có thể âm tính giả. Các kết quả dương tính của phương pháp này đôi khi cần phải khẳng định lại bằng phương pháp khác có độ chính xác cao hơn

3.4. Xét nghiệm miễn dịch

Là phương pháp phát hiện kháng nguyên/kháng thể của tác nhân gây bệnh Giang mai, Lậu, Chlamydia, HIV, HPV, HSV, HBV,…

  • Ưu điểm: cho kết quả chính xác
  • Nhược điểm: chi phí cao, quy trình thực hiện phức tạp, thời gian trả kết quả lâu

3.5. Sinh học phân tử (Xét nghiệm khuếch đại acid nucleic)

Phương pháp sinh học phân tử dùng để phát hiện tác nhân gây bệnh Giang mai, Lậu, Chlamydia,HIV, HPV, HSV, HBV,…

  • Ưu điểm: cho kết quả chính xác
  • Nhược điểm: chi phí cao, quy trình thực hiện phức tạp. Phương pháp này cũng đòi hỏi cao về kỹ thuật của người lấy mẫu, kỹ thuật viên xét nghiệm và thiết bị, máy móc hiện đại.
Phương pháp sinh học phân tử đòi hỏi kỹ thuật cao
Phương pháp sinh học phân tử đòi hỏi kỹ thuật cao

Hầu hết các các bệnh lây truyền qua đường tình dục tiến triển âm thầm và không có triệu chứng điển hình. Việc thăm khám và tầm soát định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín là phương pháp tối ưu để chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh này. Việc lựa chọn phương pháp xét nghiệm còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ dựa trên các triệu chứng của bệnh và sự an toàn, kinh tế cho bệnh nhân.

BS. Nguyễn Thị Thanh Sương | Bệnh viện Hùng Vương

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến