Bệnh nhiễm Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hằng năm có gần 90 triệu trường hợp nhiễm Chlamydia được phát hiện. Con số không dừng lại ở đó. Số lượng người nhiễm bệnh vẫn đang có xu hướng ngày một gia tăng. Đáng chú ý, khoảng 70% số lượng người mắc có triệu chứng thầm lặng. Do đó bệnh khó phát hiện sớm để điều trị kịp thời , nên dễ gây biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng tình dục thông thái tìm hiểu biến chứng của bệnh Chlamydia thông qua bài viết sau.
1. Chlamydia lây truyền như thế nào?
Vi khuẩn Chlamydia lây truyền qua 2 con đường:
Đường trực tiếp:
- Quan hệ tình dục qua hậu môn, âm đạo, bằng miệng với người nhiễm Chlamydia
- Lây truyền mẹ con khi đang mang thai hoặc truyền sang em bé trong khi sinh.
Đường gián tiếp:
- Qua các vật dụng cá nhân (khăn lau, quần lót, khăn giấy bẩn… )
- Qua nguồn nước bẩn thường ở những khu vực sống ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh do Chlamydia
- Quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng không thường xuyên.
- Quan hệ với nhiều bạn tình
- Mắc đồng thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác hoặc HIV/AIDS
- Nam giới có sinh hoạt tình dục đồng tính qua đường hậu môn
2. Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bệnh do Chlamydia
Đa số người bị nhiễm Chlamydia đều không phát hiện ra các triệu chứng từ ban đầu.
2.1 Triệu chứng lâm sàng ở nữ giới
- Huyết trắng có màu sắc và mùi bất thường (dịch màu vàng nhạt hoặc trắng) kèm theo viêm âm đạo, cổ tử cung.
- Ngứa ở vùng kín, tiểu rát, cơn đau thường diễn ra âm ỉ sau khi quan hệ tình dục.
- Chảy máu vùng kín sau quan hệ tình dục.
- Đau bụng dưới và đau lưng có thể kèm theo buồn nôn, sốt cao do viêm, áp xe phần phụ
2.2 Triệu chứng lâm sàng ở nam giới
- Tiểu khó, cảm giác đau rát ở dương vật khi đi tiểu
- Có dịch trắng đục, mùi hôi khai tiết ra từ lỗ sáo dương vật, thường thấy vào buổi sáng
- Rối loạn xuất tinh, tinh dịch ít, loãng hoặc có kèm theo máu bất thường
- Ngứa, nóng rát lan rộng ở đầu dương vật
- Trong một số trường hợp nặng, có thể bị đau và sưng một cả hai bên tinh hoàn
3. Các biến chứng của Chlamydia
3.1 Gây viêm vùng chậu và vô sinh ở nữ giới
Chlamydia gây bệnh ở vùng âm đạo và cổ tử cung. Sau đó nếu bệnh nhân không được điều trị triệt để hay điều trị đúng, vi khuẩn sẽ lan dần vào tử cung gây dính tử cung hoặc lan ra 2 bên ống dẫn trứng gây viêm dính một hay hai ống dẫn trứng. Cuối cùng dẫn đến thai ngoài tử cung hoặc tắc, áp xe hai ống dẫn trứng và buồng trứng hai bên.
Nếu tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn sẽ gây viêm vùng chậu mãn tính hoặc vô sinh.
3.2 Sinh non, trẻ bị dị tật bẩm sinh
Phụ nữ mang thai nhiễm Chlamydia có thể bị viêm cổ tử cung, viêm màng ối gây vỡ ối non dẫn đến tình trạng sinh non. Trong trường hợp bé sanh thường thì dễ bị viêm phổi , viêm mắt gây mù loà. Ngoài ra, trẻ nhiễm Chlamydia do lây truyền từ mẹ có thể mắc bệnh màng trong, bệnh tim bẩm sinh… ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của bé sau này.
3.3 Vô sinh ở nam giới
Đối với nam giới, Chlamydia có thể gây viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng và chất lượng hoạt động của tinh hoàn. Tinh trùng được xuất ra không khỏe mạnh, dẫn đến vô sinh.
4. Bệnh do Chlamydia được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
4.1 Chẩn đoán
Do triệu chứng của bệnh thường không hiện diện sớm nên khi có bất cứ triệu chứng nghi ngờ nào, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành các xét nghiệm tầm soát. Các loại xét nghiệm có thể thực hiện để chẩn đoán bệnh Chlamydia bao gồm:
- Nuôi cấy phân lập: phổ biến nhất và có độ đặc hiệu và nhạy cao (> 90%).
- Kháng thể huỳnh quang trực tiếp
- Phương pháp miễn dịch gắn men
- Phản ứng chuỗi PCR: là kỹ thuật có độ nhạy và đặc hiệu cao nhất (>99%)
4.2 Điều trị
Chlamydia là bệnh có thể điều trị dứt điểm bằng thuốc kháng sinh. Uống một liều duy nhất Azithromycin, hoặc Doxycyclin ngày hai lần trong một tuần là biện pháp điều trị được áp dụng phổ biến nhất.
Bệnh do Chlamydia có thể diễn tiến âm thầm và phức tạp, nếu không sớm điều trị kịp thời sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Chính vì vậy, nhận biết sớm thông qua kiểm tra và xét nghiệm định kỳ sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho các bạn.
BS. Phun Lan Phương | Bệnh viện Vạn Hạnh