Bệnh Chlamydia có nguy hiểm không? - Tình Dục Thông Thái

Bệnh Chlamydia có nguy hiểm không?

Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng trong những năm trở lại đây. Mỗi năm lại có thêm 376 triệu người mắc chỉ tính riêng bốn bệnh lây truyền qua đường tình dục là Lậu, Chlamydia, Giang mai và Trùng roi đường sinh dục. Trong đó, Chlamydia có tỷ lệ mắc cao hơn cả. Vậy Chlamydia là gì và bệnh chlamydia có nguy hiểm không? Hãy cùng giải đáp các thắc mắc qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về bệnh Chlamydia

1.1 Chlamydia lây truyền như thế nào?

Bệnh Chlamydia gây ra bởi vi khuẩn sống trong nội tế bào bắt buộc, có tên khoa học là Chlamydia trachomatis. Bệnh Chlamydia thường lây truyền chủ yếu qua hai con đường:

  • Qua đường tình dục: Quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hoặc bằng miệng với người bị mắc chlamydia. Bệnh vẫn có thể lây nhiễm ngay cả khi người chồng không xuất tinh trong quá trình quan hệ. Nếu từng bị mắc bệnh chlamydia và đã được điều trị, vẫn có thể bị lây nhiễm lại do quan hệ tình dục không an toàn với người bị mắc chlamydia.
  • Từ mẹ sang con trong quá trình sinh: thường gây ra bệnh về mắt, viêm kết mạc, viêm phổi cho trẻ sơ sinh. 
Chlamydia lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục với người mắc bệnh
Chlamydia lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục với người mắc bệnh

1.2 Triệu chứng của Chlamydia

Khi bị nhiễm Chlamydia trachomatis, bệnh nhân thường không có hoặc rất ít triệu chứng, đặc biệt ở nữ giới. Hầu như 95% bệnh nhân không có triệu chứng bệnh hoặc triệu chứng rất nhẹ, dễ bỏ qua. 

Ở nữ giới, có thể gặp triệu chứng:

  • Dịch âm đạo bất thường, có màu vàng nhạt hoặc màu trắng
  • Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện
  • Ra máu giữa kỳ kinh nguyệt
  • Đau vùng bụng dưới, đau khi quan hệ tình dục

Ở nam giới, có thể gặp triệu chứng:

  • Dương vật tiết dịch màu trắng bất thường
  • Có cảm giác nóng rát khi tiểu tiện
  • Đau và sưng ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn 
Triệu chứng Chlamydia ở nam giới là đau và sưng ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn
Triệu chứng Chlamydia ở nam giới là đau và sưng ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn

Ngoài ra, cả nam giới và nữ giới còn có thể bị nhiễm chlamydia ở phần trực tràng. Nguyên nhân là do có quan hệ tình dục qua hậu môn hoặc bị lây truyền từ khu vực bị nhiễm khác (ví dụ như âm đạo). Mặc dù các lây nhiễm này thường không có triệu chứng, nhưng vẫn có thể gây:

  • Đau vùng trực tràng
  • Có tiết dịch bất thường
  • Chảy máu vùng trực tràng

2. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không điều trị bệnh Chlamydia?

Bệnh Chlamydia thường rất dễ bị bỏ qua, do bệnh không có triệu chứng quá rầm rộ. Tuy nhiên, Chlamydia nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của người bệnh.

Ở nữ giới, các biến chứng thường gặp là tắc vòi trứng, viêm vùng chậu (PID), thai ngoài tử cung, sinh non, sẩy thai, thậm chí gây vô sinh. Không những thế, nếu phụ nữ mang thai nhiễm Chlamydia và không được điều trị kịp thời, đúng cách, trẻ sơ sinh sinh ra rất dễ bị lây nhiễm từ mẹ qua đường sinh nở qua âm đạo người mẹ, gây viêm kết mạc, thậm chí mù lòa cho trẻ.

Đối với nam giới, Chlamydia cũng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm tinh hoàn, viêm đường niệu đạo, tắc ống dẫn tinh và cũng có thể gây ra vô sinh.

3. Bệnh chlamydia có chữa khỏi được không?

Bệnh Chlamydia có thể chữa khỏi được nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách bằng kháng sinh thích hợp. Bởi vậy, bất cứ ai có nguy cơ cao (người có nhiều bạn tình, có quan hệ tình dục không an toàn, lành mạnh,…) nên định kỳ khám, sàng lọc và xét nghiệm Chlamydia cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Phụ nữ mang thai dưới 25 tuổi và thai phụ có nguy cơ cao nên sàng lọc Chlamydia ngay từ lần thăm khám đầu tiên và lặp lại ở tuần 32 của thai kỳ theo hướng dẫn sàng lọc của Bộ Y tế.

Bệnh Chlamydia có thể được chữa khỏi khi được phát hiện và điều trị kịp thời
Bệnh Chlamydia có thể được chữa khỏi khi được phát hiện và điều trị kịp thời

4. Các biện pháp phòng ngừa bệnh Chlamydia?

Do bệnh Chlamydia lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, có thể phòng ngừa bằng cách:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Sinh hoạt tình dục lành mạnh. Nếu nghi ngờ nhiễm Chlamydia thì nên tránh quan hệ tình dục và nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.
  • Khi có bất kỳ biểu hiện khác thường ở bô phận sinh dục như: tiết dịch, rát buốt đường tiểu, nổi mẫn hoặc đau, bạn nên ngừng quan hệ, nên đến gặp bác sĩ ngay.
  • Nếu đang điều trị Chlamydia hoặc một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nào đó, nên khuyên chồng/vợ cùng đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.

Như đã nói ở trên, hầu hết người bệnh có diễn biến âm thầm, không có các triệu chứng hoặc nếu có, biểu hiện thường nhẹ và đều không dễ phân biệt với các bệnh lý khác. Do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào kể trên hoặc nếu bạn tình của bạn bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, Chlamydia, trùng roi, hạ cam…), cần đi khám và xét nghiệm ngay tại các cơ sở y tế uy tín, chuyên khoa để được tư vấn, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

BS. Nguyễn Thị Kiều Phương | Bệnh Viện Hồng Ngọc

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến