Nhiễm trùng qua đường tình dục: Hậu quả khó lường nhưng không khó điều trị - Tình Dục Thông Thái

Nhiễm trùng qua đường tình dục: Hậu quả khó lường nhưng không khó điều trị

Nhiễm trùng qua đường tình dục (STIs) lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục, bao gồm cả qua đường âm đạo, hậu môn và đường miệng. Đôi khi có thể lây từ mẹ sang con khi mang thai, sinh con và cho con bú. Bệnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần.  

1. Hậu quả của nhiễm trùng qua đường tình dục 

Có hơn 30 loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây nhiễm trùng qua đường tình dục. Trong đó có 8 mầm bệnh thường gặp: 4 có thể chữa khỏi (giang mai, lậu, Chlamydia, Trichomonas) và 4 gây ra do virus không thể chữa khỏi ( HBV – virus gây viêm gan B, HSV –  herpes sinh dục, HIV, HPV).

Thiếu nhận thức, nhận thức sai về nguy cơ và hậu quả của nhiễm trùng qua đường tình dục có thể dẫn đến những hành vi tình dục có nguy cơ cao, cuối cùng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. 

  • Tăng nguy cơ nhiễm HIV: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes, lậu và giang mai có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV.
  • Vấn đề về sức khỏe sản khoa: Nhiễm trùng qua đường tình dục như lậu và Chlamydia là nguyên nhân chính gây viêm vùng chậu ở phụ nữ – một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đến khả năng sinh sản. Ít nhất 1/4 phụ nữ bị viêm vùng chậu phải chịu di chứng lâu dài nghiêm trọng, trong đó phổ biến nhất là thai ngoài tử cung và vô sinh (do tắc hoặc tổn thương các ống dẫn trứng). 
  • Ảnh hưởng trên thai nhi và trẻ sơ sinh: Lây truyền từ mẹ sang con có thể dẫn đến thai chết lưu, tử vong ở trẻ sơ sinh, nhẹ cân và sinh non, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm kết mạc và dị tật bẩm sinh. Ước tính gần 1 triệu phụ nữ mang thai mắc giang mai hoạt động vào năm 2016, dẫn đến 350.000 kết cục sinh nở bất lợi, trong đó 200.000 trường hợp thai chết lưu hoặc tử vong sơ sinh. 
  • Ung thư: Nhiễm virus HPV có thể gây ung thư cổ tử cung – ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ trên thế giới. Có khoảng 570.000 ca mắc mới vào năm 2018 và hơn 311.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung mỗi năm. 
  • Tử vong: Các bệnh gây tử vong liên quan đến nhiễm trùng qua đường tình dục gồm: AIDS, ung thư gây ra do HPV, ung thư gan do HBV, viêm vùng chậu, thai ngoài tử cung,… Ước tính HBV (virus gây viêm gan B) gây tử vong ở khoảng 820.000 người (năm 2019), chủ yếu do xơ gan và ung thư gan nguyên phát. 
Nhiễm trùng qua đường tình dục làm tăng nguy cơ nhiễm HIV
Nhiễm trùng qua đường tình dục làm tăng nguy cơ nhiễm HIV

Ngoài ra, phụ nữ bị nhiễm trùng qua đường tình dục thường cảm thấy lo lắng, tội lỗi, thất vọng, xấu hổ,… Các tác động tâm lý tiêu cực này có thể còn đáng lo ngại hơn những ảnh hưởng về mặt sức khỏe. 

2. Điều trị bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục 

Điều trị nhiễm trùng qua đường tình dục thường bao gồm một trong các điều trị sau, tùy vào tác nhân gây nhiễm trùng.  

2.1. Thuốc kháng sinh

Sử dụng kháng sinh có thể điều trị lậu, giang mai, Chlamydia, và Trichomonas. Nếu bạn bị lậu, thường sẽ phải điều trị thêm Chlamydia, do ghi nhận người bệnh thường mắc đồng thời cả 2 nhiễm trùng này. 

Thuốc được lựa chọn điều trị nhiễm trùng qua đường tình dục nên đạt các tiêu chuẩn sau (theo WHO):

  • Hiệu quả điều trị cao (tối thiểu đạt 95%)
  • Chi phí thấp
  • Độc tính và khả năng dung nạp chấp nhận được
  • Không tạo đề kháng hoặc đề kháng chậm
  • Liều duy nhất
  • Dùng đường uống
  • Không chống chỉ định cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Khi bắt đầu dùng kháng sinh, cần tuân thủ phác đồ để đạt hiệu quả điều trị. Nếu bạn không thể tuân thủ nên trao đổi với bác sĩ để ưu tiên sử dụng phác đồ đơn giản, ngắn ngày hơn.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các kháng sinh điều trị nhiễm trùng qua đường tình dục bao gồm:

  • Lậu: ceftriaxone, hoặc cefixime, hoặc gentamicin, hoặc spectinomycin; phối hợp thêm azithromycin hoặc doxycycline để điều trị đồng nhiễm Chlamydia. 
  • Chlamydia: doxycycline, hoặc azithromycin,… Trong đó, doxycycline không được sử dụng ở phụ nữ mang thai và trẻ em <8 tuổi.       
  • Giang mai: benzathine penicillin G
  • Trichomonas: metronidazole, hoặc tinidazole
Sử dụng kháng sinh có thể điều trị các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục
Sử dụng kháng sinh có thể điều trị các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục

Lưu ý, đây là những thuốc cần được kê đơn bởi bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng để tránh những hậu quả không mong muốn.

2.2. Thuốc kháng virus

Nếu nhiễm herpes hay HIV, bạn sẽ được kê thuốc kháng virus. Nhiễm Herpes sẽ ít tái phát nếu tuân thủ điều trị kháng virus hàng ngày. Tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình vẫn còn. Với người nhiễm HIV, thuốc kháng virus có thể giúp kiểm soát bệnh trong nhiều năm, và nếu dùng sớm theo hướng dẫn có thể giảm tải lượng virus trong máu đến mức khó phát hiện. Dù vậy, virus vẫn tồn tại và có thể lây truyền cho người khác, nhưng với nguy cơ thấp hơn.   

3. Ngăn ngừa tái nhiễm  

Nhiễm trùng qua đường tình dục có tỉ lệ tái nhiễm tương đối ca. Do đó để đạt được hiệu quả điều trị tốt, ngoài dùng thuốc còn phải phối hợp thêm các biện pháp ngăn ngừa tái nhiễm.

  • Kiêng quan hệ tình dục: Để tránh tái nhiễm, cần kiêng quan hệ trong vòng 7 ngày sau điều trị và khi hết các triệu chứng nếu có.
  • Tái khám: nên tái khám lại sau 3 tháng điều trị Chlamydia, bất kể bạn tình đã được điều trị hay chưa.  

    Nên tái khám lại sau 3 tháng điều trị
    Nên tái khám lại sau 3 tháng điều trị 
  • Thông báo cho bạn tình: Nếu bị chẩn đoán nhiễm trùng qua đường tình dục, bạn cần thông báo với bạn tình (bao gồm bạn tình hiện tại, bạn tình từ 3 tháng đến 1 năm trước) để họ được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị. 

Nếu bạn đang mắc phải nhiễm trùng qua đường tình dục thì cũng đừng quá lo lắng. Hãy đến gặp Bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn. 

BS. Bùi Thị Ánh Phương

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến