Tầm soát và phát hiện sớm bệnh lây qua đường tình dục (Phần 1) - Tình Dục Thông Thái

Tầm soát và phát hiện sớm bệnh lây qua đường tình dục (Phần 1)

Các bệnh lây qua đường tình dục (STIs) không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng, hoặc có thể chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ. Vì vậy, bạn có thể mắc bệnh mà không biết, dẫn đến việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh. Đó là lý do tại sao việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh lây qua đường tình dục lại quan trọng.

1. Những ai cần tầm soát bệnh lây qua đường tình dục?

Nếu bạn có hoạt động tình dục, tầm soát STIs là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra khuyến cáo cho những đối tượng cần tầm soát bệnh lây qua đường tình dục như sau:

  • Người lớn và thanh thiếu niên từ 13 đến 64 tuổi nên tầm soát HIV ít nhất một lần.
  • Phụ nữ dưới 25 tuổi có hoạt động tình dục nên tầm soát bệnh lậu và chlamydia hàng năm.
  • Phụ nữ từ 25 tuổi trở lên có yếu tố nguy cơ cao (như có bạn tình mới, quan hệ với nhiều bạn tình, bạn tình mắc STIs) cũng được khuyến cáo tầm soát bệnh lậu và chlamydia hàng năm.
  • Phụ nữ có thai nên tầm soát giang mai, HIV, viêm gan B, viêm gan C ngay đầu thai kỳ (lần khám thai đầu tiên). Những người có nguy cơ nhiễm.
  • Nam giới: Đồng tính nam, lưỡng tính, quan hệ đồng giới nên tầm soát:
    – Bệnh lậu, chlamydia và giang mai: ít nhất mỗi năm một lần hoặc 3-6 tháng một lần nếu có nguy cơ cao.
    – HIV: ít nhất mỗi năm một lần, hoặc tốt hơn là 3-6 tháng một lần.
    – Viêm gan C: ít nhất mỗi năm một lần nếu nhiễm HIV.
  • Bất kỳ ai có hoạt động tình dục có yếu tố nguy cơ cao hoặc dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy nên được xét nghiệm HIV ít nhất mỗi năm một lần.
  • Những người quan hệ tình dục bằng đường miệng hoặc hậu môn nên đến gặp nhân viên y tế để có thể làm xét nghiệm cổ họng và trực tràng.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc STIs nên tầm soát thường xuyên
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc STIs nên tầm soát thường xuyên

2. Lợi ích của việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh lây qua đường tình dục

Do STIs thường không có triệu chứng, có thể dẫn đến di chứng nghiêm trọng. Đồng thời, mắc STIs còn có thể là yếu tố nguy cơ độc lập đối với việc nhiễm HIV. Do đó, sàng lọc STIs để phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. [3]

Phòng ngừa biến chứng của bệnh

Ở nữ giới, bệnh chlamydia hoặc lậu không được điều trị có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu, dẫn đến các vấn đề sức khỏe sinh sản như mang thai ngoài tử cung hoặc vô sinh.

Ở nam giới, chlamydia và lậu có thể gây ra tình trạng đau đớn ở ống dẫn tinh. Trong một số trường hợp, điều này có thể khiến người bệnh không thể có con.

Giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con

Các bệnh STIs có thể truyền từ mẹ sang con ở giai đoạn trước hoặc trong khi sinh.

  • Bệnh giang mai có thể đi qua nhau thai và nhiễm sang em bé khi còn trong bụng mẹ (trước khi sinh)
  • Lậu, chlamydia, herpes, viêm gan B có thể truyền từ mẹ sang con trong lúc chuyển dạ
  • HIV có thể đi qua nhau thai trước khi sinh hoặc lây nhiễm cho em bé trong khi sinh.

Phát hiện và điều trị sớm STI cho phụ nữ mang thai là một cách quan trọng để giảm nguy cơ lây bệnh từ mẹ sang con, ngăn ngừa biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.

Giảm nguy cơ nhiễm và lây truyền HIV

Nếu bạn mắc STIs, bạn có nguy cơ bị nhiễm HIV cao hơn so với người không mắc STIs. Điều này là do tình trạng viêm, loét của STIs làm suy yếu hàng rào bảo vệ, khiến virus HIV xâm nhập vào cơ thể bạn dễ dàng hơn.

Ngoài ra, những người nhiễm cả HIV và STIs khác thường có nồng độ virus HIV cao hơn trong tinh dịch hoặc dịch âm đạo , khiến virus lây lan sang bạn tình dễ dàng hơn.

Vì vậy, nếu bạn có hoạt động tình dục, hãy xét nghiệm STIs thường xuyên, ngay cả khi bạn không có triệu chứng. Việc điều trị STIs đã được nhiều nghiên cứu chứng minh góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm và lây truyền HIV.

Xét nghiệm và phát hiện sớm STIs giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV
Xét nghiệm và phát hiện sớm STIs giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV

Xét nghiệm là cách tốt nhất để phát hiện STIs khi bệnh không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là chlamydia, lậu và herpes. Các xét nghiệm có thể khác nhau tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh và tình trạng của người bệnh. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các xét nghiệm này nhé.

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến