Tầm soát và phát hiện sớm bệnh lây qua đường tình dục (Phần 2) - Tình Dục Thông Thái

Tầm soát và phát hiện sớm bệnh lây qua đường tình dục (Phần 2)

Bài viết trước đã giúp bạn biết được lợi ích của việc tầm soát bệnh lây qua đường tình dục (STI) và những đối tượng cần được tầm soát. Vậy khi sàng lọc bệnh lây qua đường tình dục, bạn sẽ được chỉ định các xét nghiệm gì và cần lưu ý gì khi thăm khám? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Tầm soát bệnh lây qua đường tình dục gồm các xét nghiệm gì?

Khi thăm khám tầm soát STIs, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định một số xét nghiệm trên các mẫu bệnh phẩm khác nhau như máu, nước tiểu, mẫu bệnh phẩm đường sinh dục…

HIV

Có 3 loại xét nghiệm HIV gồm: xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể và xét nghiệm acid nucleic (xét nghiệm NAT). Cả 3 loại xét nghiệm này đều được thực hiện trên mẫu máu. Xét nghiệm kháng thể là loại xét nghiệm nhanh, giúp tìm kháng thể HIV trong máu.

Tương tự như vậy, xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể giúp tìm cả kháng nguyên và kháng thể HIV. Còn xét nghiệm NAT sẽ giúp tìm virus HIV, cho biết lượng virus có trong máu là bao nhiêu.

Xét nghiệm này nên được xem xét đối với những người đã phơi nhiễm gần đây hoặc có thể đã phơi nhiễm và có các triệu chứng ban đầu của HIV và những người đã có kết quả xét nghiệm âm tính với xét nghiệm kháng thể hoặc kháng nguyên/kháng thể.

Các xét nghiệm HIV giúp tìm kháng nguyên, kháng thể HIV trong máu
Các xét nghiệm HIV giúp tìm kháng nguyên, kháng thể HIV trong máu

Lậu, chlamydia

Các xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT) thường được sử dụng để sàng lọc chlamydia và lậu vì có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt sử dụng NAAT với cả mẫu bệnh phẩm ở cả cơ quan sinh dục và ngoài cơ quan sinh dục, bao gồm các mẫu nước tiểu, cổ tử cung, âm đạo, niệu đạo nam, trực tràng và hầu họng.

Giang mai

Tầm soát bệnh giang mai thường được thực hiện bằng xét nghiệm máu để tìm kháng thể. Nếu xét nghiệm dương tính (nghĩa là bạn có kháng thể chống lại bệnh giang mai), bạn sẽ cần xét nghiệm thêm một xét nghiệm khác để chắc chắn rằng mình có mắc bệnh hay không.

Herpes

Việc sàng lọc herpes sinh dục cũng có thể được thực hiện bằng xét nghiệm máu để xác định kháng thể chống lại vi rút. Những kháng thể này được hệ thống miễn dịch tạo ra để đáp ứng với nhiễm trùng và tồn tại trong máu ngay cả khi không có đợt bùng phát nào. Nếu người bệnh có mụn rộp, vết loét nghi ngờ do virus herpes, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu bệnh phẩm ở những vết loét này để làm xét nghiệm.

HPV

Nhiễm virus HPV là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất để phát triển ung thư cổ tử cung. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định 2 loại xét nghiệm là xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap.

Xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự có mặt của virus HPV, kiểm tra các chủng HPV có nguy cơ cao gây biến đổi bất thường tế bào cổ tử cung. Còn xét nghiệm PAP giúp phát hiện những tế bào cổ tử cung bất thường có khả năng tiến triển thành tế bào ung thư.

Bác sĩ sẽ lấy tế bào cổ tử cung để tiến hành xét nghiệm HPV hoặc xét nghiệm Pap
Bác sĩ sẽ lấy tế bào cổ tử cung để tiến hành xét nghiệm HPV hoặc xét nghiệm Pap

Viêm gan B, viêm gan C

Để tầm soát viêm gan B và viêm C, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để tìm kháng nguyên và kháng thể. Xét nghiệm máu sàng lọc viêm gan B sử dụng 3 dấu hiệu huyết thanh học chính là kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg), kháng thể kháng kháng nguyên bề mặt viêm gan B (anti-HBs), và kháng thể kháng kháng nguyên lõi viêm gan B (anti-HBc) Các dấu hiệu huyết thanh học thay đổi theo tiến trình bệnh, các đợt cấp tính điển hình đã được hồi phục và tiến triển thành nhiễm mãn tính.

Với viêm gan C, đầu tiên bạn sẽ được chỉ định xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus viêm gan C (anti-HCV). Nếu kết quả dương tính, bạn sẽ được thực hiện thêm xét nghiệm xét nghiệm HCV-RNA (đo tải lượng virus HCV) để xác định rằng bạn có thực sự bị viêm gan C hay không.

Trichomonas (trùng roi)

Phương pháp xét nghiệm phổ biến nhất là soi tươi dưới kính hiển vi để phát hiện Trichomonas ở thể hoạt động. Bác sĩ có thể lấy mẫu xét nghiệm ở trực tràng, dương vật hoặc âm đạo.

2. Khi nào cần tầm soát bệnh lây qua đường tình dục?

Người có hoạt động tình dục nên cân nhắc việc tầm soát STIs định kỳ, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Tần suất tầm soát khuyến cáo cho từng nhóm đối tượng đã được trình bày ở bài viết trước.

Bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Bộ phận sinh dục tiết dịch bất thường
  • Đỏ, ngứa bộ phận sinh dục
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Mụn rộp, vết loét ở cơ quan sinh dục hoặc ở miệng
  • Đau bụng dưới

Ngoài ra, với những bệnh STIs có thể điều trị khỏi như lậu, chlamydia và trichomonas, người bệnh cần phải xét nghiệm lại 3 tháng sau khi điều trị để đánh giá nguy cơ tái nhiễm.

3. Những lưu ý khi đi tầm soát bệnh lây qua đường tình dục

Khi thăm khám tầm soát STIs, việc cởi mở và thành thật với bác sĩ là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp bác sĩ có thể đánh giá một cách đầy đủ và chính xác. Hãy chuẩn bị câu trả lời cho một số câu hỏi sau về hoạt động tình dục của mình trước khi gặp bác sĩ:

  • Lần cuối bạn quan hệ tình dục là khi nào?
  • Bạn có từng mắc STIs không?
  • Bạn tình của bạn có tiền sử mắc hay đang mắc STIs không?
  • Bạn có dùng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục không?
  • Cơ thể bạn có dấu hiệu gì bất thường không?
Hãy giữ tinh thần thoải mái và cởi mở khi thăm khám tầm soát STIs
Hãy giữ tinh thần thoải mái và cởi mở khi thăm khám tầm soát STIs

Các bệnh lây qua đường tình dục thường diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có thể sẽ đẻ lại hậu quả nặng nề. Vì vậy, hãy tầm soát bệnh lây qua đường tình dục định kỳ nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh và đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi có những dấu hiệu nghi ngờ.

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến