Những điều bạn cần biết về bệnh lậu - Tình Dục Thông Thái

Những điều bạn cần biết về bệnh lậu

Hầu hết các bệnh lý tình dục tiến triển âm thầm và không có triệu chứng điển hình. Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có thể có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là bệnh lậu. Bệnh lậu có thể gây ra các biến chứng rất nghiêm trọng khi không được điều trị. Bạn hãy cùng Tình Dục Thông Thái tìm hiểu về bệnh lậu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Bệnh lậu là gì?

Bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp và có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh thường gặp ở người trẻ, độ tuổi từ 15 đến 24

Bệnh lậu lây truyền qua đường tình dục nếu quan hệ qua âm đạo, hậu môn hoặc bằng miệng với người bị mắc bệnh lậu. Ngoài ra, thai phụ mắc bệnh lậu có thể truyền bệnh sang em bé trong quá trình sinh nở, gây lậu mắt. 

Gần đây bệnh có xu hướng tăng ở nhóm quan hệ đồng giới nam (MSM). Bệnh có thể phối hợp với một số tác nhân khác, thường thấy nhất là Chlamydia trachomatis

2. Nguyên nhân gây bệnh lậu

Bệnh lậu do song cầu khuẩn lậu gây ra. Hầu hết các trường hợp mắc lậu là do quan hệ tình dục với người bị bệnh. Song cầu khuẩn lậu có đặc điểm: 

  • Hình hạt cà phê, sắp xếp thành từng cặp
  • Bắt màu gram âm, nằm trong bạch cầu đa nhân
  • Dài khoảng 1,6 μ, rộng 0,8 μ, nuôi cấy trên môi trường thạch máu phát triển nhanh
  • Khi ra khỏi cơ thể chỉ tồn tại một vài giờ
Song cầu lậu thường sắp xếp thành từng cặp
Song cầu lậu thường sắp xếp thành từng cặp

3. Làm sao bạn biết mình có mắc bệnh lậu hay không?

Biểu hiện bệnh lậu chủ yếu xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Ngoài ra, nó cũng có thể ở các vị trí khác như họng, hậu môn. Một số nam giới mắc bệnh lậu có thể không có triệu chứng. Ở nhóm có triệu chứng, biểu hiện thường thấy là:

  • Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện
  • Dịch trắng, vàng hoặc xanh tiết ra từ dương vật
  • Tinh hoàn bị đau hoặc sưng (mặc dù triệu chứng này ít gặp)

Khác với nam giới, hầu hết nữ giới nhiễm bệnh lậu đều không có bất kỳ triệu chứng nào. Ngay cả khi xuất hiện triệu chứng cũng thường rất nhẹ và dễ bị nhầm là nhiễm trùng âm đạo hoặc bàng quang. Những triệu chứng ở nữ giới có thể bao gồm:

  • Cảm giác đau hoặc nóng rát khi tiểu tiện
  • Tăng dịch tiết âm đạo
  • Chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt
Chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt là một tỏng những triệu chứng của bệnh ở nữ giới
Chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt là một tỏng những triệu chứng của bệnh ở nữ giới

Nữ giới mắc bệnh lậu có nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm trùng, ngay cả khi không có triệu chứng. Ngoài những triệu chứng xuất hiện ở bộ phận sinh dục, nhiễm trùng trực tràng có thể gây ra các triệu chứng ở cả nam và nữ, như:

  • Tiết dịch
  • Ngứa hậu môn
  • Đau nhức
  • Chảy máu
  • Đại tiện đau

Bạn nên để bác sĩ kiểm tra nếu bạn hoặc bạn tìn phát hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên.

4. Nguyên tác điều trị bệnh lậu 

Các nguyên tắc điều trị bệnh lậu bao gồm:

  • Điều trị đúng phác đồ để tránh biến chứng và hạn chế sự kháng thuốc. 
  • Điều trị người có quan hệ tình dục với người bệnh (trong vòng 60 ngày từ lúc được chẩn đoán bệnh) 
  • Tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như: giang mai (VDRL, TPHA), HIV, sùi mào gà, Chlamydia.… để phát hiện bệnh đi kèm.
  • Kết hợp điều trị C. trachomatis vì tính chất dịch tễ học

Việc điều trị bệnh lậu đang ngày càng trở nên khó khăn hơn vì các biến thể kháng thuốc của bệnh lậu đang ngày càng gia tăng. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc mà phải uống theo chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa. Nếu các triệu chứng kéo dài nhiều hơn 1 tuần sau khi được điều trị, bạn nên tái khám.

Bệnh lậu có thể gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần, sức khỏe người bệnh nếu như không điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Nếu bạn hoặc đối tác có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh lậu, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán nhé!

BS. CKII. Nguyễn Thị Thanh Thơ | Bệnh viện Da liễu TPHCM

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến