Cập nhật phác đồ điều trị Chlamydia 2021 - Tình Dục Thông Thái

Cập nhật phác đồ điều trị Chlamydia 2021

Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tinh dục (STD) phổ biến nhất hiện nay và có nguy cơ lây nhiễm ở cả nam giới và nữ giới. Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 89 triệu người mắc Chlamydia. Bệnh Chlamydia có thể được chữa khỏi và không gây tổn thương nghiêm trọng tới cơ quan sinh sản của nữ giới nếu được điều trị sớm và đúng phác đồ. Hãy cùng Tình dục thông thái tìm hiểu phác đồ điều trị Chlamydia 2021 qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về Chlamydia

Bệnh  Chlamydia gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Đây là vi khuẩn sống nội bào bắt buộc ở người. Chlamydia có ba biến thể sinh học khác nhau về biểu hiện lâm sàng và sinh học: 

  • Biến  thể tuýp A, B, Ba, C (trachoma- serovars A, B, Ba và C) gây bệnh mắt hột 
  • Biến thể tuýp D ->K là loại gây các bệnh đường sinh dục ở người như: viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng, bệnh lý ở tử cung… (serovars D->K) mà chủ yếu gây viêm niệu đạo có triệu chứng và không triệu chứng
  • Biến thể L1, L2, L3 gây bệnh hột xoài (serovars L1, L2, L3) có cùng nhóm huyết thanh với bệnh mắt hột nhưng có bệnh cảnh lâm sàng xâm nhập lan tràn gây tổn hại nhiều hơn ở vùng sinh dục-tiết niệu.

Thường gặp nhất là Chlamydia trachomatis gây bệnh trên đường sinh dục. Bệnh lây truyền chủ yếu qua con đường quan hệ tình dục không an toàn như đường âm đạo, hậu môn, miệng. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh. Bất kỳ lứa tuổi, đối tượng nào có quan hệ tình dục đều có khả năng lây nhiễm bệnh.

Bất kì đối tượng nào có quan hệ tình dục đều có khả năng lây nhiễm bệnh
Bất kì đối tượng nào có quan hệ tình dục đều có khả năng lây nhiễm bệnh

Chlamydia gây biến chứng làm tắc vòi trứng, viêm vùng chậu (PID), thai ngoài tử cung, sẩy thai, sinh non và thậm chí là vô sinh, hiếm muộn, khó hoặc không thể mang thai về sau.

2. Biểu hiện của bệnh Chlamydia

Bệnh Chlamydia có diễn tiến rất âm thầm, đặc biệt là ở nữ giới nên rất khó để có thể phát hiện được bệnh. Khoảng 95% nữ giới nhiễm Chlamydia không có triệu chứng hoặc nếu có thì thường là các biểu hiện rất nhẹ, dễ gây nhầm lẫn với các nhiễm khuẩn phụ khoa thông thường khác. Các biểu hiện bao gồm:

  • Cảm giác buốt khi đi tiểu
  • Âm đạo có tiết dịch bất thường, có màu vàng nhạt hoặc trắng,…
  • Ra máu giữa kỳ hành kinh hoặc sau khi quan hệ
  • Đau bụng dưới, đau khi quan hệ tình dục
  • Sốt, buồn nôn, nôn,…
Đau bụng dưới là một trong những biểu hiện của Chlamydia
Đau bụng dưới là một trong những biểu hiện của Chlamydia

Rất nhiều trường hợp sau khi xảy ra biến chứng mới biết mình bị bệnh và những người không triệu chứng lại chính là nguồn lây cho cộng đồng. 

3. Phác đồ điều trị Chlamydia cập nhật

Hiện nay, các hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế Việt Nam và trên thế giới đều có nhiều đồng thuận về phương pháp điều trị bệnh Chlamydia. 

3.1 Nguyên tắc khi điều trị Chlamydia cần tuân thủ

  • Khám và điều trị cho tất cả bạn tình (cả nam và nữ) có phát sinh quan hệ trong vòng 60 ngày trở về trước
  • Điều trị bằng kháng sinh sớm, phù hợp và đủ liều
  • Điều trị kết hợp với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nếu có (lậu, trùng roi,…)
  • Tránh quan hệ tình dục dưới mọi hình thức cho đến khi kết thúc điều trị thành công cho cả bạn tình
  • Khám và đánh giá lại 1 – 3 tháng sau khi kết thúc một đợt điều trị
  • Tuân thủ lựa chọn kháng sinh phù hợp, an toàn cho Phụ nữ có thai và cho con bú

Phác đồ điều trị sau đây được đồng thuận bởi Bộ Y tế Việt Nam 2019, Hội Tiết niệu – Thận học châu Âu (EAU) 2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 2016, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) 2015:

  • Azithromycin 1g, đường uống, liều duy nhất
  • Doxycyclin 100mg, đường uống, 2 lần/ngày, dùng trong 7 ngày
  • Erythromycin 500mg, đường uống, 2 lần/ngày, dùng trong 14 ngày

3.2 Đối với phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai sẽ có phác đồ điều trị Chlamydia riêng
Phụ nữ mang thai sẽ có phác đồ điều trị Chlamydia riêng

Đối với điều trị Chlamydia ở phụ nữ có thai, chống chỉ định sử dụng Doxycycline. Trường hợp này, bác sĩ nên lựa chọn một trong các phác đồ dưới đây:

  • Azithromycin 1g, đường uống, liều duy nhất
  • Amoxicillin 500mg, đường uống, 3 lần/ngày, dùng trong 7 ngày
  • Erythromycin 500mg, đường uống, 2 lần/ngày, dùng trong 14 ngày

Trong đó, nên lựa chọn kháng sinh theo thứ tự ưu tiên như sau: Azithromycin là lựa chọn đầu tiên, sau đó có thể lựa chọn Amoxicillin và Erythromycin cho phụ nữ mang thai khi điều trị nhiễm Chlamydia trachomatis.

Mỗi bệnh nhân đều có những tình trạng bệnh khác nhau, bác sĩ sẽ dựa vào thăm khám biểu hiện trên lâm sàng, các kết quả xét nghiệm vi sinh, các bệnh lý mắc kèm để chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng kháng sinh mà không có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ điều trị.

Chlamydia là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục phổ biến và nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người nhiễm. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh hay bất cứ bất thường gì, cần phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa, bệnh viện để tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời theo đúng phác đồ điều trị để điều trị dứt điểm và hiệu quả. 

PGS.TS.BS. Lưu Thị Hồng | Bệnh viện Tâm Anh

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến