Rối loạn cương dương có thể chữa khỏi không? - Tình Dục Thông Thái

Rối loạn cương dương có thể chữa khỏi không?

Rối loạn cương dương, một tình trạng phổ biến nhưng thường được nhắc đến với sự e ngại, ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của nhiều người. Nó không chỉ là một vấn đề về sức khỏe sinh lý mà còn gây ra những lo lắng, mất tự tin trong quan hệ và sinh hoạt hàng ngày. Trong khi xã hội ngày càng cởi mở hơn về các vấn đề sức khỏe tình dục, nhiều người vẫn tự hỏi liệu rối loạn cương dương có thể chữa khỏi hoàn toàn không. 

Tổng quan về rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương là tình trạng dương vật không thể cương cứng hoặc không duy trì được trạng thái cương cứng để thực hiện quá trình giao hợp. Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi, thường gặp ở nam giới ở độ tuổi trên 40. 

Trước đây, rối loạn cương dương thường được cho là chủ yếu do vấn đề tâm lý gây ra. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã phát hiện ra rằng đối với đa số đàn ông, rối loạn cương dương còn có thể do các vấn đề liên quan đến thể chất gây ra, thường liên quan đến việc cung cấp máu cho dương vật. 

Rối loạn cương dương có chữa khỏi không?

Rối loạn cương có thể chữa khỏi được hoàn toàn hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. 

Nguyên nhân gây rối loạn cương dương có thể chữa khỏi được 

Một số nguyên nhân sau đây nếu được khắc phục hoặc điều trị kịp thời, có thể giải quyết vấn đề rối loạn cương dương mà không cần đến các can thiệp y tế (như dùng thuốc, phẫu thuật…):

  • Tác dụng phụ của thuốc: Nhiều loại thuốc khác nhau có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục, như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, thuốc giảm đau opioid…
  • Rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích: Uống từ 3 ly rượu trở lên mỗi ngày có thể làm giảm testosterone ở nam giới. Từ đó làm tình trạng rối loạn cương dương trở nên trầm trọng hơn. Các chất kích thích có thể khiến nam giới khó đạt được hoặc duy trì trạng thái cương cứng. 
  • Mất cân bằng nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng cương cứng, bao gồm giảm testosterone, tăng prolactin, nồng độ hormone tuyến giáp bất thường, nồng độ cortisol bất thường. 
  • Lượng mỡ trong cơ thể cao: Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu – là những nguyên nhân gây ra rối loạn cương dương. Lượng mỡ cao cũng làm giảm nồng độ testosterone, kéo theo ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và khả năng duy trì trạng thái cương cứng ở nam giới. 
  • Tâm lý, cảm xúc: Bộ não đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt một loạt các quá trình vật lý bên trong cơ thể dẫn đến cương cứng. Một số vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể can thiệp vào cảm xúc tình dục và gây ra hoặc làm xấu đi chứng rối loạn cương dương, bao gồm lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, trầm cảm…

Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng đến chức năng tình dục của nam giới

Nguyên nhân gây rối loạn cương dương không thể chữa khỏi

Khi rối loạn cương dương xảy ra do sự kết hợp của cả vấn đề về tâm lý và thể chất, việc điều trị sẽ không hề đơn giản. Hơn nữa, nếu tình trạng rối loạn cương dương xuất phát từ tình trạng ảnh hưởng đến dây thần kinh, mạch máu hoặc các vấn đề liên quan đến cấu trúc của dương vật, việc điều trị dứt điểm là một thách thức lớn. 

  • Bệnh thận mạn: Những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn phải chạy thận nhân tạo có tỷ lệ bị rối loạn cương dương khá cao. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này, bao gồm tổn thương thần kinh, tổn thương mạch máu, nồng độ testosterone thấp, tác dụng phụ của thuốc.
    • Bệnh lý về thần kinh: Bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến hệ thần kinh cũng có thể làm gián đoạn dẫn truyền tín hiệu từ thần kinh trung ương đến dương vật. Một số bệnh lý có thể kể đến như Parkinson, Alzheimer, đa xơ cứng, đột quỵ…
  • Phẫu thuật hoặc xạ trị vùng chậu: Phẫu thuật vùng xương chậu (chẳng hạn như cắt bỏ tuyến tiền liệt) hay xạ trị vùng chậu (như ung thư tuyến tiền liệt, đại tràng) có thể làm tổn thương vĩnh viễn các mạch máu và lưu lượng máu đến dương vật cũng như đường dẫn truyền thần kinh từ não bộ đến dương vật.
  • Vấn đề liên quan đến cấu trúc dương vật: Các tình trạng ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân dương vật như xơ cứng vật hang, gãy dương vật cũng ảnh hưởng đến khả năng cương cứng.

Phương pháp điều trị rối loạn cương dương

Các phương pháp điều trị rối loạn cương dương được chia thành 3 nhóm chính gồm: điều trị tạm thời, giải quyết nguyên nhân gốc rễ và trị liệu tâm lý.

Điều trị tạm thời

Những phương pháp này giúp đạt được hoặc duy trì trạng thái cương cứng, nhưng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của rối loạn cương dương. Người bệnh có thể được sử dụng thuốc giúp cải thiện lưu lượng máu đến dương vật, từ đó giúp giảm nhẹ tạm thời tình trạng rối loạn cương dương. 

Giải quyết nguyên nhân gốc rễ

Phương pháp này sẽ tập trung vào việc giải quyết nguyên nhân gây ra rối loạn cương dương. Một số biện pháp có thể dễ dàng thực hiện tại nhà bao gồm: 

  • Tránh rượu bia, thuốc lá, chất kích thích
  • Ăn uống lành mạnh, giàu protein, hạn chế thực phẩm đóng hộp
  • Tập thể dục đều đặn
  • Xây dựng thói quen ngủ điều độ
  • Học cách thư giãn 

Chẳng hạn như nếu tắc nghẽn động mạch là nguyên nhân gây bệnh, việc uống thuốc kết hợp tập luyện thể thao thường xuyên sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Từ đó có thể giải quyết hoàn toàn chứng rối loạn cương dương hoặc giảm tần suất xuất hiện đáng kể. 

Giải quyết được nguyên nhân thực sự có thể đẩy lùi được chứng rối loạn cương dương 

Trị liệu tâm lý

Nguyên nhân gây rối loạn cương dương có thể là do tâm lý và bản thân tình trạng này cũng là nguyên nhân khiến nam giới càng trở nên lo lắng. Vì vậy, điều trị tâm lý có thể giúp giảm bớt lo lắng, gia tăng sự tự tin và cải thiện mối quan hệ với bạn tình. Bên cạnh đó, một số nam giới cảm thấy rằng sự căng thẳng, lo lắng quá mức về việc quan hệ tình dục ngăn cản các phương pháp điều trị khác phát huy tác dụng. Vì vậy, việc giải quyết sự lo âu này có thể cải thiện kết quả tổng thể.

Việc liệu rối loạn cương dương có thể chữa khỏi hay không thực sự phụ thuộc vào từng trường hợp. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là, thông qua việc tìm hiểu nguyên nhân và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp – từ việc điều chỉnh lối sống cho đến sử dụng thuốc, nhiều người có thể cải thiện được tình trạng của mình. 

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến