Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến do song cầu Gram âm Neisseria gonorrhoeae gây nên. Bệnh lậu lây qua màng nhầy và có thể gây ra các thương tổn ở niệu đạo, cổ tử cung, vòi trứng, hậu môn, cổ họng, mắt. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thì cần có thời gian ủ bệnh và tiến triển. Khi đó các triệu chứng thường không rõ ràng.
Bạn hãy cùng Tình dục thông thái tìm hiểu về thời gian ủ bệnh lậu và các giai đoạn tiến triển của bệnh lậu để có thể phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời nhé!
1. Thời gian ủ bệnh lậu
Thời gian ủ bệnh lậu thường khoảng 14 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn lậu. Trong thời gian ủ bệnh, nhiều người mắc bệnh mà không có triệu chứng và chỉ được phát hiện bằng xét nghiệm.
Thời gian ủ bệnh lậu ở nam giới dao động trong khoảng 1 – 14 ngày, phần lớn phát hiện triệu chứng sau 2 – 7 ngày, tùy vào từng người. Trong thời gian ủ bệnh lậu, nam giới có thể bị tiểu nóng rát, chảy mủ ở miệng niệu đạo, tiết dịch vùng sinh dục – hậu môn. Ở phụ nữ, ngoài triệu chứng nóng rát khi đi tiểu còn kèm thêm chảy máu bất thường, đau bụng dưới hoặc đau khi giao hợp.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh lậu không có triệu chứng, nhưng thực ra bệnh vẫn diễn tiến âm thầm và có thể gây biến chứng. Nếu không được nhận biết để điều trị đúng, bệnh lậu sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe sinh sản nghiêm trọng và tổn thương vĩnh viễn ở cả nam giới và nữ giới.
2. Các giai đoạn tiến triển bệnh
2.1. Tiến triển bệnh lậu ở nam
Triệu chứng thường gặp và là nguyên nhân chính khiến nam giới đi khám là tình trạng chảy mủ trắng đục, vàng, xanh ở lỗ tiểu, dịch tiết hậu môn, tiểu nóng, tiểu đau, sưng viêm bao quy đầu.
Vi khuẩn lậu sau đó tiếp tục theo niệu đạo đi ngược ra các cơ quan khác và gây viêm như viêm mào tinh – tinh hoàn. Từ đó, nam giới có thể rơi vào tình trạng hiếm muộn. Triệu chứng ở nam giới khi bị viêm mào tinh – tinh hoàn là đau bìu, đau vùng tinh hoàn.
2.2. Tiến triển bệnh lậu ở nữ
50% nữ giới mắc bệnh lậu không có triệu chứng. Ngay cả khi có, các triệu chứng của bệnh lậu thường không rõ ràng như ở nam giới mà dễ nhầm lẫn với một viêm nhiễm phụ khoa khác như nhiễm trùng tiểu, viêm bàng quang, viêm âm đạo. Một số triệu chứng được ghi nhận là tiểu khó, tiểu đau, tiểu nóng, huyết trắng có mủ xanh hoặc vàng, chảy máu âm đạo bất thường.
Việc không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ khiến nhiều người bệnh nữ giới không được điều trị sớm bệnh lậu và làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Nếu không điều trị, 10 – 20% nữ giới có bệnh lậu lan từ tử cung đến vòi trứng và gây viêm vùng chậu. Viêm vùng chậu do lậu có thể diễn tiến thành áp xe và gây đau vùng chậu mạn tính.
Tình trạng viêm, tổn thương các cơ quan sinh sản như sẹo chít hẹp ống dẫn trứng làm tăng nguy cơ hiếm muộn và mang thai ngoài tử cung. Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu sinh con qua âm đạo, trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm bệnh lậu từ mẹ với các biến chứng như mắt mù, nhiễm trùng khớp, nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng trẻ.
2.3. Tiến triển chung ở cả nam và nữ
Biến chứng có thể xảy ra ở cả nam và nữ nếu không được điều trị tốt. Tuy nhiên, phụ nữ mắc bệnh lậu có nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm trùng hơn so với nam giới.
Cả nam và nữ đều có thể bị nhiễm trùng ở trực tràng, cổ họng hoặc mắt sau khi nhiễm lậu qua quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc miệng không được bảo vệ. Nếu mắt tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo có mang vi khuẩn lậu thì có thể bị viêm kết mạc khiến mắt đau, sưng và tiết dịch.
Ngoài ra, còn có thể gặp các biểu hiện của nhiễm trùng trực tràng như: tiết dịch hậu môn, ngứa, chảy máu, đi tiêu đau. Nếu lậu cầu gây viêm vùng hầu họng, người bệnh có thể có triệu chứng đau họng (ít gặp).
Trong một số trường hợp hiếm gặp, vi khuẩn lậu còn có thể lan vào máu và khớp gây viêm khớp, tổn thương van tim, viêm màng não, tủy sống hay nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng người bệnh.
3. Xét nghiệm có thể phát hiện sớm bệnh lậu
Những nhóm đối tượng nên đi khám và xét nghiệm bệnh lậu:
- Đối tác nhiễm bệnh lậu hoặc có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh lậu
- Quan hệ tình dục không an toàn với một người mới
- Phát hiện một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
- Có dấu hiệu bị viêm cổ tử cung khi khám phụ khoa
- Chuẩn bị có con hoặc đang mang thai mà chưa được xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục
Nếu bạn thuộc một trong những nhóm đối tượng kể trên, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, bạn có thể chủ động phòng ngừa bệnh lậu cho bản thân hoặc tránh lây nhiễm cho người khác bằng cách:
- Quan hệ tình dục an toàn
- Điều trị đồng thời cả đối tác có quan hệ tình dục khi phát hiện mắc bệnh lậu
- Không quan hệ tình dục cho đến khi đã điều trị khỏi bệnh
- Tầm soát định kì các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Thời gian ủ bệnh lậu lâu hay mau tùy thuộc vào từng người. Tuy nhiên, người mắc bệnh lậu vẫn có thể lây cho người khác trong thời gian ủ bệnh dù không có triệu chứng. Quan hệ tình dục an toàn và tầm soát định kì các bệnh lây truyền tình dục để phát hiện và điều trị bệnh lậu nói riêng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung.
BS. Nguyễn Hồ Vĩnh Phước | Bệnh viện Bình Dân