Bệnh lậu là một trong số các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và nguy hiểm, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe, tâm lý và cộng đồng xung quanh. Do tâm lý e ngại, xấu hổ, nhiều bệnh nhân chọn cách chữa bệnh lậu tại nhà bằng những phương pháp dân gian. Thế nhưng những phương pháp chữa bệnh lậu dân gian này có thực sự hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về bệnh lậu
1.1 Bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu là một trong những bệnh xã hội phổ biến nhất do một loại vi khuẩn có dạng hình cầu, tên khoa học là Neisseria gonorrhoeae gây ra. Loại vi khuẩn này còn được gọi là song cầu do có dạng hình cầu và thường kết đôi với nhau.
Bệnh lậu chỉ lây từ người qua người và có thể gây bệnh ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là nam và nữ trong độ tuổi sinh sản có hoạt động quan hệ tình dục thường xuyên. Đặc biệt, người mẹ mang thai mắc lậu mà không được điều trị đúng cách cũng có thể lây cho con.
1.2 Bệnh lậu lây truyền như thế nào?
Bệnh lậu có thể lây nhiễm qua 2 con đường chính:
- Lây qua đường tình dục: quan hệ tình dục không an toàn chính là con đường ngắn nhất khiến bạn mắc bệnh lậu. Tỉ lệ mắc bệnh lậu chỉ sau một lần quan hệ với người bệnh có thể lên tới 90%.
- Lây từ mẹ sang con: thai nhi có thể lây nhiễm bệnh lậu từ trong bụng mẹ nếu trong thời gian thai kỳ người mẹ không may bị nhiễm bệnh Lậu. Hậu quả dẫn đến viêm kết mạc và mù lòa nếu không điều trị sớm cho trẻ.
2. Chữa bệnh lậu bằng phương pháp dân gian có an toàn không?
Rất nhiều phương pháp dân gian được lan truyền để điều trị bệnh lậu, đánh vào tâm lý muốn chữa bệnh tại nhà, không cần đi khám tại bệnh viện cơ sở y tế. Một số người dùng tỏi, mật ong, nha đam, măng cụt, gừng, dấm táo,…để chữa trị bệnh lậu tại nhà. Thế nhưng, thực tế điều trị bệnh lậu bằng phương pháp dân gian không những không có hiệu quả mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Thứ nhất, chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy các phương pháp dân gian kể trên có hiệu quả và an toàn trong điều trị bệnh lậu
Về nguyên tắc, bệnh lý nhiễm vi khuẩn phải được điều trị bằng kháng sinh phù hợp, đúng liều dùng và thời gian dùng. Cho đến hiện nay, chưa có khuyến cáo nào nhận định có thể dùng các biện pháp dân gian như tỏi, gừng, nha đam,…có thể điều trị khỏi bệnh lậu.
Thứ hai, lạm dụng các nguyên liệu dân gian và sử dụng không đúng cách có thể phản tác dụng
Nhìn chung, bệnh lậu có diễn tiến tương đối thầm lặng, nhiều người bệnh không có biểu hiện hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Hơn nữa, các nguyên liệu như tỏi, gừng, nha đam, mật ong,… thường khá lành tính, không gây hậu quả gì quá nghiêm trọng khi sử dụng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và sử dụng không đúng cách có thể gây ra các tác hại khó lường như viêm loét vùng da sử dụng, ngộ độc,…
Không chỉ vậy, việc sử dụng các phương pháp dân gian này kéo dài cũng gây tốn kém, lãng phí cả thời gian, công sức và tiền bạc.
Thứ ba, làm kéo dài tiến trình bệnh gây nhiều hậu quả nghiêm trọng
Việc tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian thường không có hiệu quả dẫn đến tâm lý lo sợ, ngại ngùng vì bệnh lâu không khỏi. Về lâu dài, bệnh lậu kéo dài có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, gây tổn thương các cơ quan khác.
Ở nam giới, biến chứng có thể gặp là viêm niệu đạo, viêm tiền liệt tuyến, viêm mào tinh, viêm tinh hoàn, vô sinh, hiếm muộn,… Ở nữ giới, bệnh có thể gây ra viêm vùng chậu (PID), tắc ống dẫn trứng, thai ngoài tử cung, sẩy thai, sinh non, vô sinh hiếm muộn,…
3. Phương pháp điều trị bệnh lậu an toàn, hiệu quả là gì?
Do bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vậy, bệnh lậu cần được điều trị hợp lý bằng kháng sinh cho cả hai chiều, tức là người bệnh và cả chồng/vợ của người bệnh. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ, người bệnh và bạn tình của người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa, bệnh viện uy tín để được tư vấn và khám chữa bệnh kịp thời.
Bệnh lậu nếu được phát hiện và điều trị đúng cách hoàn toàn có thể chữa khỏi và phòng ngừa được các biến chứng. Vì vậy, đừng e ngại, lo lắng mà tìm đến các mẹo hay các phương pháp dân gian. Hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được điều trị theo đúng phác đồ.
ThS. BS. Tạ Ngọc Thạch | Bệnh viện Tâm Anh