Bệnh lây truyền qua đường tình dục có điều trị được không? - Tình Dục Thông Thái

Bệnh lây truyền qua đường tình dục có điều trị được không?

Bệnh truyền qua đường tình dục là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao. Bệnh truyền qua đường tình dục gây ra các biến chứng như vô sinh, thai ngoài tử cung, ung thư cổ tử cung, thai chết lưu, giang mai bẩm sinh, sinh non, … Nhiều bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng nên việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục gặp nhiều khó khăn.  

1. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chủ yếu do các vi trùng, vi nấm, ký sinh trùng gây ra. Một số bệnh phổ biến có thể kể đến bao gồm: 

  • Giang mai 
  • Lậu
  • Chlamydia
  • Trichomonas
  • Hạ cam 

Ngoài ra, hiện nay vẫn có một số bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến do siêu vi gây ra như:

  • HIV
  • Herpes
  • HPV
  • Viêm gan B siêu vi B

Yếu tố nguy cơ chủ yếu là tuổi trẻ, do đây là độ tuổi hoạt động tình dục mạnh. Các nhóm có nguy cơ mắc bệnh khác là nhóm hoạt động tình dục nguy cơ cao (có nhiều bạn tình và tình dục không an toàn), đó là mại dâm, dùng thuốc gây nghiện qua đường tĩnh mạch, tù nhân. Ngoài ra, còn có nhóm dễ mắc bệnh khác là nam giới chưa cắt bao quy đầu, nhóm có địa vị xã hội thấp, vệ sinh cá nhân kém, nhóm quan hệ đồng tính.

Yếu tố nguy cơ chủ yếu là tuổi trẻ, do đây là độ tuổi hoạt động tình dục mạnh
Yếu tố nguy cơ chủ yếu là tuổi trẻ, do đây là độ tuổi hoạt động tình dục mạnh

2. Điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục

2.1 Lậu, Chlamydia, Trichomonas

Chlamydia, lậu, giang mai, hạ cam, Trichomonas được xem là nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục có khả năng chữa khỏi. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh theo đúng phác đồ. Tuy nhiên, đây là nhóm bệnh có khả năng lây nhiễm và tái nhiễm rất cao. Vì vậy, việc điều trị phải đảm bảo một số nguyên tắc quan trọng:

  • Kiêng sinh hoạt tình dục trong thời gian điều trị bệnh
  • Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, nếu có dấu hiệu bất thường của việc uống thuốc cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị
  • Tránh trường hợp tự ý ngưng sử dụng thuốc 
  • Không sử dụng chung toa thuốc với bệnh nhân khác 
  • Tầm soát thường xuyên và đi khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng
Chlamydia được xem là nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục có khả năng chữa khỏi
Chlamydia được xem là nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục có khả năng chữa khỏi

2.2 HPV, viêm gan siêu vi B

Bệnh lây truyền qua đường tình dục do siêu vi có thời gian nhiễm bệnh kéo dài hơn và khả năng truyền bệnh cao. Triệu chứng ban đầu của bệnh sẽ kéo dài trong khoảng 3 tuần, sau đó sẽ bước vào giai đoạn nhiễm không triệu chứng.

Việc điều trị giúp cho phép phục hồi hệ miễn dịch, nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Đặc biệt, nhiễm  HPV và viêm gan siêu vi B có thể trở nên mạn tính và là nguyên nhân chính gây ung thư. 

Với HPV, các bác sĩ có thể loại bỏ các tổn thương đường sinh sản để quan sát bằng mắt thường và mụn cóc sinh dục. Đối viêm gan siêu vi B, một số trường hợp bệnh nhân “dung nạp được miễn dịch” hoặc  bị viêm gan B không hoạt tính có thể không cần dùng thuốc nhưng vẫn phải đảm bảo khám lâm sàng và xét nghiệm định kỳ. Nếu cần áp dụng những biện pháp can thiệp kịp thời, người bệnh sẽ được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp theo độ tuổi và thể trạng. 

 Một số trường hợp bệnh nhân viêm gan B có thể không cần dùng thuốc nhưng vẫn phải đảm bảo khám lâm sàng và xét nghiệm định kỳ
Một số trường hợp bệnh nhân viêm gan B có thể không cần dùng thuốc nhưng vẫn phải đảm bảo khám lâm sàng và xét nghiệm định kỳ

Tùy vào từng loại bệnh lây truyền qua đường tình dục mà bệnh nhân có thể điều trị khỏi hẳn hoặc ức chế được sự phát triển và giảm nồng độ của virus. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết vẫn là việc phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Vì vậy bạn nên đến thăm khám định kỳ hoặc khi có triệu chứng bất thường tại các Bệnh viện, cơ sở có uy tín.

BS. Nguyễn Văn Học | Bệnh viện ĐHYD TPHCM 

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Kiểm tra nguy cơ

Tìm phòng khám

Đặt khám bác sĩ

Tư vấn trực tuyến